mardi 5 février 2008

90 năm thơ ấu


TTO - Mặc cho dòng người vẫn tấp nập hối hả ngược xuôi, mặc cho cái tết đang gõ cửa từng nhà, bên góc đường, ông vẫn ngồi đan từng con cào cào bé xíu…



Ông Di bên mẹt hàng bé xíu là những con cào cào
- Ảnh: PHI LONG


Buổi sáng đầu tuần, đường Nguyễn Đình Chiểu như hẹp lại do dòng người và xe đổ về ngày càng đông gây ách tắc cả một đoạn đường dài. Khói, bụi, tiếng bô xe gầm rú, tiếng người, tiếng nhạc, người ta tìm mọi cách để nhích lên từng nấc một... Một đứa trẻ chừng 7 tuổi ngồi trên xe mẹ cứ nhìn chăm chăm mấy con cào cào chấp chới bên ông lão đang ngồi co ro vì lạnh.
Bé xíu, sẽ chẳng sai khi dùng từ này để mô tả mẹt hàng của ông Di. Vỏn vẹn một túi xách nhỏ chứa lá dừa non và lá xà cừ, một cây nhỏ có 4 trụ đủ găm 4 con cào cào. Buổi sáng ông dọn hàng gần một quán ăn đông người gần ngã tư Nguyễn Đình Chiểu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, trưa ông chuyển qua ngồi ở một góc của siêu thị Coop-Mart. Đó là “lịch làm việc” của ông Di mà mấy chú xe ôm học thuộc lòng nói lại.
Những con cào cào được làm bằng lá dừa non màu xanh nhạt, nổi bật với đôi râu dài vút nằm ở đỉnh đầu. Nó được làm ra bởi đôi bàn tay run run của đã bước qua tuổi 90, cái tuổi gần đất xa trời của người già. Hỏi sao không làm nghề khác mà chọn nghề này ông bảo đó không hẳn là nghề, đó là nghiệp của ông. Nó không chỉ nuôi ông sống từ vài chục năm rồi mà còn là cả cuộc sống của ông.
Ô ăn quan, bịt mắt bắt dê, trốn tìm… trở nên xa lạ với những đứa trẻ thị thành hiện nay. Chúng chỉ biết và say mê với boom, võ lâm truyền kỳ, audition... “Tôi vẫn có khách hàng, vẫn còn những đứa trẻ say mê với chút hồn quê nơi thị thành này”, ông Di tâm sự như tự an ủi mình. Nhiều đứa trẻ được bố mẹ sắm cho đồ chơi đắt tiền từ siêu thị, nhưng bước ra, thấy mấy con cào cào của ông chúng liền nằng nặc đòi mua cho bằng được.
Vậy là ông vẫn có những bạn hàng của riêng mình, và rồi ông lại tiếp tục ngồi đó để tiếp tục công việc thầm lặng: lưu giữ chút hồn quê giữa lòng TP. Tết đến, ngẫm lại thấy ông thật hạnh phúc, vì cả đời đã được nuôi sống bằng niềm đam mê thuở ấu thơ.


PHI LONG

Aucun commentaire: