mardi 26 février 2008

Bí ẩn Cát Tiên

Nằm gọn trong lãnh thổ Việt Nam, sông Đồng Nai bắt nguồn từ hai phía cuối của rặng Trường Sơn xuống những trũng thấp về miền đất đỏ miền Đông. Chòm hổng gần bờ Đạ Đờng (sách địa lý ghi là Đa Đông) bên phía Tây có một miền đất huyền bí tên là Cát Tiên. Bất kể khi nào, cứ ở trong Nam ngoài Bắc có mưa dầm, bão táp thì ở đây cũng sụt sùi, nước sông Đạ Đờng như muốn dâng lên và rừng xanh gió núi như cất lên ngàn lời ca.

Dễ hiểu vì đây là đất thuộc vườn quốc gia Cát Tiên với những loài cây gỗ quý tự nhiên tuổi thọ hàng trăm năm, những hang động chìm sâu trong lòng đất, đá hòn đá tảng có nguồn gốc phún xuất thạch lộ diện, muông thú và cá sấu với những bàu nước thiêng và những voi rừng, hổ báo, chim trời ra bắt mồi, tắm mát. Rừng Cát Tiên có diện tích hơn 73.000 hecta và vùng rừng đệm có diện tích tương tự trải từ cuối cao nguyên Đắc Nông tới rìa Nam Lâm Đồng. Trong vùng còn có rừng cấm Cát Lộc, điểm cùng với đảo Java (Indonesia) là nơi cư trú cuối cùng của loài tê giác một sừng. Cát Lộc còn khoảng 6 con, các nhà khoa học trong quá trình tìm kiếm chỉ gặp được những dấu chân thú, nếu lượm được chút phân có thể coi như điều may mắn.

Lộ dấu... vàng

Từ bờ sông, dải đất thấp trũng bên những ngọn đồi cách 30km ra huyện lỵ Đạ Huoai trên đường đi Đà Lạt từ năm 1980 được chọn làm vùng kinh tế mới đưa người từ khắp tỉnh thành miền Trung, miền Bắc đến lập nghiệp, nhiều năm sau hình thành lên hai huyện mới là Cát Tiên và Đạ Tẻh. Năm 1984, những lưu dân ở xã Quảng Ngãi khi đào đất làm rẫy ven một chân đồi sát bờ sông đã tình cờ gặp được những mảnh vàng khắc chữ kỳ lạ. Dân chúng kháo nhau đi đào bới tìm vàng. Nhưng từ nguồn tin này, từ năm 1985, những nhà khảo cổ phối hợp với bảo tàng tỉnh Lâm Đồng đã thám sát thêm nhiều điểm quanh khu vực và xác định đây là một khu di tích lớn mang dấu vết đền tháp và mộ táng được kiến trúc bằng gạch đá chưa xác định được niên đại. Nhiều di vật gốm, đồ đồng, sắt, tượng tròn bằng thuỷ tinh, đá bán quý và thạch anh đã được tìm thấy. Thấy nhiều nét tương đồng với những di chỉ đã gặp ở Ba Thê (An Giang), Gò Tháp (Đồng Tháp) và tháp Bình Thạnh (Tây Ninh) nên nhiều người đoán rằng đây là dấu vết của nền văn minh Óc Eo mà chủ nhân là vương quốc Phù Nam, một đế quốc trải rộng suốt cả địa giới Nam bộ, Campuchia và nhiều quần đảo phía nam biển Đông - vịnh Thái Lan hiện nay.
Nhưng phỏng đoán này lập tức đã bị nhiều người bác bỏ, vì vương quốc Phù Nam đã bị tiêu diệt vào khoảng thế kỷ thứ VI, thứ VII, các bộ tộc sau đó di tán khắp nơi, hình thành nên nhiều tiểu quốc như Chân Lạp, Chiêm Thành, Lâm Ấp... Nhiều người tạm gọi đây là khu thánh địa Bà La Môn.

Chủ nhân mờ mịt bóng

Những lá vàng cổ vật



Qua nghiên cứu về kiến trúc, các di tích Cát Tiên có niên đại từ đầu thế kỷ thứ VIII đến cuối thế kỷ thứ IX. Phạm vi các cụm di tích tập trung trên một diện tích ước rộng 15km vuông. Xa hơn về hướng đông và nam, thuộc địa bàn Đồng Nai người ta cũng dần dà tìm được các di vật chum lọ, công cụ với vật liệu và cấu trúc tương tự. Khác với các tháp Chàm, các chất liệu gạch xây dựng nơi đây có phần vụng về hơn nhưng được điều hoà bởi kết cấu của các khối đá granit như bệ khung, diềm cửa được chạm trổ hoa văn khá tinh vi. Các khu đền tháp đều nằm trên gò đồi, quay mặt về hướng chính đông, trung tâm ngôi đền bao giờ cũng là chỗ đặt bộ sinh thực khí Linga - Yoni của tín ngưỡng phồn thực. Ngạc nhiên nhất là Linga lớn nhất Đông Nam Á đã được tìm thấy ở đây, với chiều cao 2,1m, đường kính 0,7m. Đặc biệt là có nhiều Linga bằng vàng hoặc vàng bịt bạc cũng đã được phát hiện. Có một báu vật không nơi nào có là Linga bằng đá thạch anh trong suốt, nặng 3,5kg, có độ thấu quang và độ cứng khá cao.
Tổng cộng đến nay đã có bốn cuộc khai quật di tích diễn ra tại Cát Tiên. Cuộc khai quật lần thứ hai năm 1998 tại di chỉ Phù Mỹ lại tìm ra thêm 150 hiện vật khá nguyên vẹn. Nhiều nhất là các bàn xoa đồ gốm hình nấm, các dọi xe chỉ, khuôn đúc đồng bằng đá, bi gốm, rìu đá có hoa văn hình thú. Các nhà khoa học lại kết luận rằng niên đại của di chỉ Phù Mỹ phải có từ 2.500 - 3.000 năm, thuộc thời đại đồng thau, rất lâu trước niên đại các di chỉ có ở xã Quảng Ngãi!
Đáng lưu ý nhất là những mảnh vàng tìm thấy ở di chỉ Quảng Ngãi, trong các tháp thờ. Di tích 1A nằm trên đồi Khỉ cao 50m so với mặt ruộng. Ngôi tháp thờ (Kalan) xây bằng gạch kết hợp với các bộ cửa lớn, lòng tháp rộng gần 40m vuông, cửa quay về hướng đông, nhìn ra sân rộng có đường đi xuống bến sông. Các hiện vật vàng đều được đặt ở đáy tháp, trong phần cuối cùng của trụ gạch xây giữa lòng tháp được gọi là trụ giới. Có vài lá vàng mỏng không có hoa văn kích thước nhỏ, được đặt giữa các lớp gạch xây trong lòng tháp không theo một quy luật nào, như một sự cất giấu ngẫu nhiên.
Nhiều lá vàng ở đây trang trí với hình ảnh các vị thần, tu sĩ, hoa sen, hoa chanh, Linga - Yoni, các vật thần như Nandin, Hamsa, voi, ngựa, rùa, rắn, văn tự... Có hiện vật có hình voi và hình hoa sen nở. Bộ hiện vật vàng góp phần khẳng định tính chất Bà La Môn giáo của khu di tích. Tôn giáo này từ trước có ảnh hưởng mạnh với dân tộc Chiêm Thành và Chân Lạp. Vậy thì chủ nhân thật sự của các đền đài phế tích Cát Tiên là dân tộc nào?

Cõi thần linh thiêng

Bộ sinh thực khí Linga – Yoni



Tới nay nhiều ý kiến nghiêng về xu hướng chủ nhân nó chính là tiểu quốc Mạ nằm giữa Chân Lạp và Chiêm Thành. Có thể đúng vì từ Cát Tiên qua quốc lộ 20 tới địa bàn Bình Thuận không xa. Về phía tây nó lại nối liền với các tỉnh Kratie, Mondulkiri của Campuchia hiện nay. Dòng tộc người Mạ vẫn còn đây, chiếm quy mô dân cư lớn nhất trong số các dân tộc ít người. Tiếng Mạ còn có từ phát âm là Bun Păng - cõi của các thần linh. Nhưng trong nếp sống, sinh hoạt và dấu ấn văn hoá, tín ngưỡng, người Mạ lại không còn chút gì của nền văn minh cổ xưa, từ kỹ thuật làm gạch, xây nhà đến chế tác kim loại. Vì sao vậy? Theo cơn lốc của lịch sử, một dân tộc nếu cứ co mình lại không mở cửa giao thương thì có thể lâm vào cảnh tụt hậu và dẫn đên suy tàn. Đền đài di tích Cát Tiên là lời cảnh báo của quá khứ.
Từ huyện Đạ Tẻh, qua khỏi con dốc cao, huyện Cát Tiên như một lòng chảo giữa trùng điệp cây rừng. Ba mặt huyện là sông. Lòng sông Đồng Nai ở thượng nguồn Đạ Đờng rộng chưa tới 100m, mặt nước đỏ ngầu phù sa bazan. Heo hút, hoang vắng là cảm giác có từ núi rừng. Cây mai dương (cây trinh nữ Mỹ) rậm rạp lối đi. Loài cây ngoại lai này lá như lá mắc cỡ nhưng lớn gấp ba, người hoặc vật chạm vào lá cũng cụp lại, cây tua tủa gai nhọn, không con chim, con thú nào luồn, chui qua được. Tại Việt Nam, cây mai dương xuất hiện đầu tiên và nhiều nhất là tại vườn quốc gia Tràm Chim giữa vùng ngập nước Đồng Tháp. Hình như mưa lũ cuốn nó tận từ dòng Mê Kông các nước sa xuống, tấp vào bờ. Nhiều nghiên cứu tìm cách huỷ diệt nó nhưng cuối cùng hạt cây vẫn theo bầy chim hoang dại và nước lũ cuốn trôi lan toả ra nhiều miền, nay đã lên tới thượng nguồn sông Đồng Nai.
Cuối con đường này ngày xưa là một bến sông quê. Bên kia bờ là xã Đăng Hà huyện Bù Đăng của tỉnh Bình Phước. Từ đó có đường 40km dẫn ra quốc lộ 14 tại thị trấn Đức Phong, tiếp giáp với miền cao nguyên Đak R'Lấp.
Từ năm 2001 chính quyền hai địa phương đã thoả thuận phương án cùng làm một chiếc cầu nối hai bờ sông để dân hai bên cùng qua lại, giao thương thuận lợi, du lịch phát triển. Công trình được khảo sát, thi công đóng cọc, làm đà dầm cầu từ năm 2001 nhưng rồi ngưng nửa chừng. Dầm cầu được thiết kế thấp quá nên lũ lên sẽ làm ngập cầu. Đầu năm 2007 thiết kế đã được chỉnh sửa, cầu đã đi vào sử dụng nối gần những con đường từ Phước Long - Bù Đăng trên quốc lộ 14 qua quốc lộ 20 đi Bảo Lộc, Đà Lạt
Việc khảo sát các phế tích vẫn chưa hoàn chỉnh, di sản đền đài chưa xuất lộ hết để có thể gia công khôi phục nguyên vẹn, nhưng Cát Tiên đã được đưa vào danh sách đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới. Hồ thủy lợi Đạ Kho lớn nhất huyện, giữa hồ có nhiều ốc đảo đã được tô điểm làm nơi thưởng ngoạn. Công ty cổ phần du lịch Saigon Madagui thuộc hệ thống Saigontourist cuối 2007 đã có một hợp đồng với UBND huyện Cát Tiên để đầu tư hồ Đạ Kho. Các điểm du lịch sinh thái mọc lên, khách quốc tế đến đông thì nền văn minh đã chôn vùi trong lịch sử sẽ càng hấp dẫn. Thời gian sẽ rọi đường cho phế tích.


Vân Oanh

SGTT

Aucun commentaire: