jeudi 7 février 2008

Bếp lửa



(TBKTSG Online) - Ngày vợ chồng tôi dọn về căn nhà mới, mẹ tôi cẩn thận dặn con dâu: “Việc đầu tiên là con nhớ nhóm bếp lửa, nấu ấm nước hay nấu gì đó cũng được”. Hỏi vì sao thì mẹ tôi chỉ nói: “Tục lệ xưa nay vậy. Để bếp nguội lạnh, giống như nhà hoang!”.
Thì ra là vậy, nhóm bếp ở nhà mới là bắt đầu cuộc sống gia đình ấm cúng, sống động. Cũng như bao phụ nữ bình thường khác, mẹ tôi không bận tâm tìm hiểu gốc gác của cái động tác nhóm bếp lần đầu tiên nơi nhà mới cũng như ý nghĩa triết lý mà người ta vẫn gán cho ngọn lửa; bà chỉ cảm nhận rằng ngọn lửa đem lại ánh sáng, sự ấm áp, xóa đi những nỗi lo sợ bóng tối, sự cô độc và đói rét từ ký ức ngàn đời.
Con người sơ khai đã tôn thờ ngọn lửa, xem như thần linh bởi sự kỳ bí, mầu nhiệm của nó, bởi cái công dụng vĩ đại cũng như sức tàn phá cũng kinh khủng của nó. Các triết gia cổ đại từ Tây sang Đông đều xem lửa như một nguyên tố căn bản tạo nên vũ trụ. Không có lửa, sẽ không có tiến bộ, văn minh, không có kỹ thuật, công nghệ - các sử gia nói vậy.
Còn bếp lò, nơi các bà nội trợ từ cổ chí kim hàng ngày chế biến bữa ăn cho người thân, được xem như biểu tượng của gia đình trong nhiều nền văn hóa khác nhau. Thần thoại Hy La tạo ra nữ thần Vesta chủ trì ngọn lửa đốt lên trong các ngôi nhà và cũng chủ trì sự yên vui, bền vững của các gia đình. Trong đền thờ Vesta có ngọn lửa thiêng mà các nữ tu ở đó có nhiệm vụ giữ không để cho tắt, bởi người ta tin rằng nếu lửa tắt thì tai họa sẽ ập đến. Cổ tích nước ta có chuyện ông Táo (hay ông Công, ông đầu rau, vua bếp) “hai ông một bà”, chuyên cai quản bếp núc, tường tận mọi việc trong nhà, cứ đến 23 tháng Chạp là về chầu Trời tâu hết nội tình gia chủ. Trong tiếng Pháp, từ foyer là “bếp lò” và cũng có nghĩa là “gia đình, nhà ở”…
Cho nên, các nhà nhân chủng học hiện đại bảo rằng ngày nào mà chiếc bàn ăn hoặc mâm cơm gia đình mất đi - có nghĩa là bếp lò thường xuyên nguội lạnh - thì ngày ấy gia đình cũng không còn!
Cái ngày ấy có lẽ chẳng ai mong. Nhưng dòng chảy cuộc sống cứ xô tới ào ạt. Khoan nói đến những xã hội công nghiệp mà bữa ăn được cá nhân hóa cao độ, ở một nước đại đa số người dân sống bằng nghề nông như nước ta, một cuộc khảo sát cách đây mấy năm ở Hà Nội và TPHCM cho thấy có đến gần một nửa số người được hỏi cho biết họ hay “ăn ngoài”, chỉ sau Hồng Kông là nước cao nhất khu vực châu Á.
Tuy vậy, hơn một phần ba số người “ăn ngoài” lại cảm thấy chế độ ăn uống của họ không lành mạnh bằng chế độ ăn uống truyền thống trước đây mặc dù nhu cầu dinh dưỡng được cải thiện hơn nhiều và hầu hết (đến 98%) đều thừa nhận rằng bữa cơm gia đình thắt chặt quan hệ thành viên trong gia đình. Một sự áy náy, thậm chí mâu thuẫn giữa một bên là sự yêu thích bữa ăn gia đình truyền thống và một bên là tâm lý ngại tốn thời gian và muốn thử thưởng thức các món ăn mới theo kiểu phương Tây. Vừa hào hứng thích nghi vừa cứ bâng khuâng luyến tiếc: con người thời đại phức tạp thật!
Có lần đi dự tiệc buffet kiểu dân dã ngoài trời, tôi cứ tần ngần nhìn hai cha con một vị khách sang trọng đứng bên lò nướng khoai. Người cha im lặng gắp củ khoai trở qua trở lại, chăm chú. Cậu bé con bên cạnh cha cũng tò mò, chăm chú. Nhìn vẻ say mê, thích thú nơi khuôn mặt người cha có thể đoán rằng lâu lắm rồi người đàn ông nghiêm trang này mới gặp lại “cố nhân”. Dường như ông ta quên bẵng khung cảnh náo nhiệt chung quanh và cũng không ngửi được mùi khoai khét cháy cho đến khi cậu bé kêu lên: “Kìa ba, cháy rồi…!”, khi ấy ông ta như choàng tỉnh, ra khỏi thế giới hoài niệm.
Từ bếp ăn ngày thường đến bếp lửa ngày Tết - cái ý nghĩa văn hóa càng đậm đặc. Ăn Tết để an hưởng một không khí hòa hợp, đoàn tụ đầm ấm của gia đình, để củng cố mối quan hệ thân tộc, cộng đồng và cũng để thể hiện sự liên hệ sâu xa với đất trời, với thần linh, tổ tiên (mâm cúng) và các giá trị truyền thống. Nó đã thành một nghi thức văn hóa. Cho nên bếp lửa gia đình ngày Tết thường xuyên được nhóm lên trong sự nôn nao rộn ràng. Và hơn thế nữa, còn có một bếp đặc biệt cho những ngày đặc biệt này: bếp cho nồi bánh chưng, bánh tét.
Ở các đô thị bây giờ, nồi bánh tét, bánh chưng gia đình gần như chuyển dần về phía ngoại ô nơi có các xóm, các lò chuyên nấu bánh cung cấp cho các cửa hàng, siêu thị. Cũng không khác đi được. Bếp bánh chưng, bánh tét cần không khí và không gian cho ngọn lửa lớn và sự quây quần sum họp. Một khoảnh sân, một góc vườn - nơi những người thân ngồi quanh, vừa châm nước, đun củi, vừa chuyện trò, hồi tưởng. Mà có khi cũng chẳng phải nói năng gì, bởi trong thời khắc đặc biệt nhất trong năm - lúc đất trời giao hòa, cái cũ lụi tàn cho cái mới sinh sôi, con người trần tục vọng về thế giới linh thiêng - chỉ cần sự có mặt bên nhau cũng đã là hạnh phúc - nhất là với những người đi làm ăn xa trở về.
Hơn mười năm làm “dân nhập cư” Sài Gòn, mỗi khi Tết đến, trong căn hộ chung cư chật chội, mẹ tôi lại rơm rớm nhắc đến cậu Tư. Mẹ tôi bảo, cả họ chỉ có cậu là tay gói bánh tét nhanh mà đẹp. Cứ hăm chín Tết là cậu có mặt ở nhà tôi để gói và nấu bánh tét. Cả nhà ai cũng nhìn cậu Tư trổ tài với vẻ trìu mến pha lẫn ngưỡng mộ. Đêm cuối năm, lũ nhóc ngồi bên bếp lửa hồng dỏng tai nghe cậu kể đủ thứ chuyện trên đời, cố thức theo người lớn để đón giao thừa…
Bây giờ mỗi người một phương, cậu Tư đã già yếu ở quê, đôi tay run run không còn gói bánh đẹp như trước. Vậy mà mỗi dịp Tết, thể nào cậu cũng tìm cách gửi vào vài cặp bánh tét. Mùi lá và hương vị đậu xanh, nếp mới vẫn thơm như ngày cũ. Nhưng còn bếp lửa ấm nồng và hương vị đoàn tụ thì chỉ còn đâu đó trong tâm tưởng. Mới đó mà như xa lắm rồi phải không cậu Tư?

CÔNG THẮNG

Aucun commentaire: