mercredi 13 février 2008

Đói không gian



Người Sài Gòn có một thứ đáng tự hào: “Văn hóa cafe”. Đó là sự đa dạng, phong phú của hệ thống hàng trăm quán cafe ở khắp mọi nơi. Người ta làm việc ở quán cafe, gặp gỡ nhau ở quán cafe, giải trí ở quán cafe và cũng chiêm nghiệm, nghĩ suy ở những quán cafe. Ai đó bảo rằng đó là một phần văn hóa của giới trí thức Sài Gòn.
Nhưng ít ai biết rằng những quán cafe được lập ra để bán không gian. Sài Gòn ồn ào, bon chen và khói bụi quá. Ở đâu cũng chỉ toàn người. Người ta tìm đến quán cafe để mua không gian. Người cần suy nghĩ đi tìm quán cafe thiên nhiên, nhạc hòa tấu, cafe sân vườn. Người cần làm việc với máy laptop đi tìm quán cafe wifi, cafe văn phòng, máy lạnh. Có nhìn vào sự nở rộng của các quán cafe mới thấy được cơn khát không gian của người Sài Gòn. Đó là cơn khát vô tận của hàng triệu con người đang bị dồn nén lại ở một cái không gian nhỏ hẹp tên là Sài Gòn.
Kẻ có tiền còn mơ đến việc mua được không gian chứ còn người không tiền...
Người không tiền đi “ăn ké” không gian của vỉa hè đêm cho giấc ngủ chập chờn. Kẻ không tiền, không nhà ngấp nghé tìm những góc trống gần các khách sạn, nhà hàng nơi bảo vệ không đuổi để tìm một giấc mộng tiện nghi (ít ra là ở nơi cơn mưa khó lòng lọt đến được). Những con người xa xứ làm những nghề có thu nhập ít ỏi đến không thể tin được thì cũng mua không gian với những cái giá rẻ không thể tin được (cho những không gian nhỏ không thể tin được): 11 người trong căn nhà 20m2, cứ tưởng như là xếp chồng lên nhau mà dỗ dành cơn mệt mỏi.
Sài Gòn đói không gian. Ở ngoại thành người ta còn có thể nhìn ra xa để tìm đường chân trời, nhìn lên cao để thấy ánh trăng rằm vằng vặc. Ở Sài Gòn chân trời không có và ánh trăng cũng phải nép mình đằng sau những góc cao ốc chen chúc nhau.
Người Sài Gòn thèm không gian. Người ta làm ra những quán ăn cửa kính đóng kín mà tiếng xe cộ không thể lọt qua. Người ta cố làm những dòng thác nhân tạo chảy ào ạt bên tai khách hàng để tiếng xe, tiếng người không chen vào được phút nghỉ ngơi. Không gian nghỉ ngơi trên những tầng cao tỷ lệ thuận với giá cả. Cả những đứa trẻ cũng không còn nhà trẻ nào thèm chứa nếu chúng chưa đủ lớn. Cả những đứa thiếu niên ngồi trong phòng học cấp II cũng không có quyền ùa ra sân chơi “như bầy ong vỡ tổ” mà bài văn nào đó năm xưa đã tả. Những đứa trẻ cấp III không có chỗ để trút ra số năng lượng trẻ trung dư thừa...
Đâu đó có ai tự thở dài cảm thấy mình nghèo xiết bao. Người Sài Gòn nghèo lắm, nghèo cái không gian cho bọn trẻ con ngồi xúc đống cát xây lâu đài, nghèo cái chỗ cho một vòng tay lớn được nối và được hát, nghèo cả cái chỗ để người ta khi cần được một mình... chỉ một mình, nghèo cả cái chỗ để mỗi người lắng nghe thiên nhiên đang thở dài những hơi cuối cho một cơn hấp hối có dự báo...
Từ cái nghèo không gian, nghiễm nhiên người Sài Gòn trở thành cô đơn vô độ. Ngay cả khi hàng trăm người ngồi gần sát vai nhau ở cùng một chỗ cũng không ai nói với nhau một tiếng nào. Ngay cả khi người ta cùng đến một chỗ và ngồi cạnh nhau hằng ngày nhưng cũng hiếm khi nào trò chuyện. Những người đàn bà trên chuyến xe miền Tây đi đến bến đã quen thân thuộc nhau và tỏ tường tình cảm nhau, còn người Sài Gòn - có khi ngồi chung một chuyến xe bus hằng ngày nhưng cũng hiếm khi nào muốn tỏ lời sâu sắc. Khi một ai đó ngã xuống trên đường vì một tai nạn, rất đông người bu quanh (không cô đơn như khi tai nạn xảy ra giữa đèo dốc xa xôi) nhưng chỉ một vài người chạy lại giúp (hoặc tệ hơn là chỉ có một người muốn giúp). Ai cũng tưởng cộng đồng là một khái niệm ngoài thân và không can hệ đến lợi ích riêng mình.
Cộng đồng: đâu đó rất thân thiết, tỏ tường trên mạng internet với đầy những lời lẽ hùng hồn của những người đi mua không gian - ngồi cafe wifi với laptop - nhưng lại rất rời rã, xa lạ trong dòng chuyển động thực. Anh công an giao thông tuýt còi giải tỏa kẹt xe chưa đủ, anh phải dùng đến dùi cui gõ vào xe người ta mới lùi lại (lẩm bẩm chửi tục). Ai lắng nghe anh? Ai đã cùng với anh giải quyết cái đám bùi nhùi đang kẹt cứng? Chỉ cần mỗi người lùi một ít - cho nhau một ít không gian - thì lẽ ra đã không có cái đám bùi nhùi nào cả. Nhưng trong sự đói nghèo không gian, kẻ cho không gian cũng sẽ là kẻ bị chà dẫm không thương tiếc. Thế nào cũng là có tội, thôi thì cứ sống cho đúng với cái lợi ích của mình: “kẻ không vì mình...” (lời thiên hạ vang xa cả ngàn năm kia mà).
Thế nên người ta đến Sài Gòn thì chắc chắn phải hòa mình vào “công cuộc” chung: tranh cướp, giành giật không gian, rao bán nó, hoặc là... mua nó. Người Sài Gòn sẽ còn đói khát không gian lâu lắm...

Khải Đơn

Aucun commentaire: