jeudi 7 février 2008

Mơ đưa phở Việt đi ra thế giới


(LĐCT) - Gõ tên Lý Quý Trung trên Google, chỉ tích tắc sau đã thấy hiện lên kết quả "Welcome to Pho24". Vừa làm kinh doanh, vừa dạy học và viết sách, nhưng trong ba năm trở lại đây cái tên Lý Quý Trung lại được biết đến nhiều với tư cách là ông chủ của Phở 24.

Đó không còn là món phở truyền thống. Lý Quý Trung đã thêm vào Phở 24 nhiều thứ "gia vị" hiện đại.- Xem ra anh đang ăn nên làm ra với Phở 24. Trở thành giám đốc một Cty phở, có phải là mơ ước của anh từ bé?
- Tôi là một "big fan" (người hâm mộ cuồng nhiệt) của phở từ bé. Nhưng mơ ước thuở thơ ấu của tôi là trở thành một nhà vô địch quần vợt...
- Vậy khi lớn lên với những vất vả đầu đời, khi thi rớt đại học rồi đi làm bồi bàn, tiếp tân ở khách sạn, anh có nghĩ đến tương lai làm giám đốc một Cty phở?
- Thi rớt đại học, đối với tôi là một nỗi buồn lớn. Trong cuộc đời tôi có hai lần khóc vì buồn đau, thì lần đầu tiên tôi khóc là khi rớt đại học. Nhưng tôi đã không để mình buồn quá hai ngày. Tôi đã nhanh chóng bình tĩnh trở lại, đi tìm một công việc. Trong thời gian bồi bàn tại Khách sạn Đệ nhất (TPHCM) tôi vừa học tại chức đại học ngoại ngữ, và nung nấu kế hoạch cho tương lai, nhưng là để trở thành giám đốc một khách sạn chứ cũng không gắn gì với phở.
- Lần thứ hai, anh khóc vì điều gì?
- Khi cha tôi mất, năm 2005.
- Ba anh
- nhà báo Lý Quý Chung, bút danh Chánh Trinh, từng làm việc ở báo Lao Động
- rất nổi tiếng trong làng báo ở VN. Tên anh với tên ông ấy lại chỉ khác nhau mỗi phụ âm đầu, đôi khi dễ bị nhầm lẫn, điều này có khiến anh mất tự tin?
- Trước đây ít nhiều có bị nhầm lẫn. Hiện nay thì đã bớt rồi, chắc nhờ vào thương hiệu Phở 24 tôi đã tạo dựng được. Tôi rất tự hào về cha mình và cảm thấy may mắn đã chịu ảnh hưởng ít nhiều từ các đức tính và tư duy của cha. Đó là một nghị lực làm việc phi thường và một niềm say mê công việc không mệt mỏi.
- Anh có nghĩ mình là người may mắn, đặc biệt là khi có được cơ hội du học để từ đó vươn lên?
- Nói đúng hơn, tôi may mắn là ngay từ bé đã là người luôn sống có kế hoạch. Làm bồi bàn nhưng tôi ước mơ trở thành giám đốc khách sạn. Tôi chia sẻ ước mơ này với người bạn gái và cũng là đồng nghiệp lúc ấy
- bây giờ là vợ tôi, nhưng cô ấy nghe xong chỉ cười thông cảm. Có lẽ lúc đó cô ấy nghĩ ước mơ của tôi xa quá... Nhưng riêng tôi tin là có ánh sáng cuối đường hầm nếu mình nỗ lực và có kế hoạch rõ ràng về tương lai. Sau khi du học từ Australia về, tôi làm phó tổng giám đốc tại một Cty liên doanh về ngành thực phẩm. Nhưng một năm sau đó, tôi rời Cty này để về làm Giám đốc khách sạn Saigon Star theo lời mời.
- Nhưng rồi anh đã bất ngờ rẽ ngoặt sang món ăn yêu thích từ thời bé là phở...
- Sau 5 năm làm giám đốc khách sạn, tôi đã đưa khách sạn từ tình trạng khó khăn về tài chính sang làm ăn có lãi, đa dạng hoá các dịch vụ. Nhưng 5 năm đó, tôi cũng nhận ra mình có khiếu kinh doanh hơn là chỉ làm điều hành một khách sạn. Tính tôi thích sáng tạo, thích nghĩ ra cái gì đó và phải làm cho nó xảy ra. Thế là tôi nhảy ra làm tư và gia nhập vào hoạt động kinh doanh của gia đình. Mơ ước của tôi lúc này là biến hệ thống kinh doanh nhà hàng của gia đình thành tập đoàn với phương pháp quản trị chuyên nghiệp, hiện đại. Trong vài năm qua, chúng tôi đã khai trương hàng loạt nhà hàng VN cao cấp thuộc hệ thống Nam An Group. Phở 24 ra đời vừa là sự chọn lựa tình cờ, nhưng cũng vừa gắn với những tính toán rất lâu trước đó. Chúng tôi chọn phở vì nó là món ăn bình dân hơn nhiều món ăn khác. Nhưng khi nâng lên thành nhà hàng, giá sẽ cao hơn, song cũng không đắt bằng các món đặc sản, vả lại mở nhà hàng phở thì chưa có đối thủ cạnh tranh...
- Ở VN nhắc đến phở người ta vẫn nghĩ đến những quán phở gia truyền nổi tiếng ở Hà Nội. Phở 24 có một số cách tân, và cũng mở nhà hàng ngay tại Hà Nội. Có thể hiểu đây là một sự "tuyên chiến"?
- Tôi luôn tôn trọng phở gia truyền ở Hà Nội. Nhiều khi ra Hà Nội, tôi vẫn ghé các quán phở ở Bát Đàn, Lý Quốc Sư, Lò Đúc... ăn và vẫn cảm thấy ngon. Tôi không muốn phở gia truyền mất đi! Phở 24, đơn giản chỉ là thêm một sự chọn lựa.
- Nhưng sẽ vẫn còn những thực khách so sánh, đại loại như Phở 24 mức độ ngon chỉ vừa phải, được cái là sạch sẽ, thoáng mát, phục vụ chuẩn...?
- Tôi có anh bạn ở Hà Nội. Anh ta nói thẳng với tôi: "Phở của ông so với các phở khác ở Hà Nội còn thua xa lắm!". Tôi hỏi lại: "Nhưng ông có ăn không, một tuần ăn mấy lần?". Anh ta trả lời rằng một tuần ăn 3-4 lần. Tôi thấy thế là đã ổn. Phở 24 không chỉ bán tô phở, mà còn bán kèm theo nhiều thứ khác, đó là không gian thanh lịch, sạch sẽ, mát mẻ, quản lý hiện đại v.v... Nếu các nhà hàng Phở 24 chỉ thuần tuý bán những tô phở thì chúng tôi sẽ phải cạnh tranh với hàng ngàn tiệm phở khác, sẽ sa lầy ngay. Phở 24 không chỉ là phở. Ngay tại Hà Nội nhưng nhà hàng phở của chúng tôi lại đông khách. Trước đây chỉ có 2, nay đã lên tới 9 nhà hàng. Tôi không cho rằng Phở 24 là ngon nhất VN. Vả lại khái niệm "ngon" cũng rất trừu tượng. Phở 24 đi vào cái ngon "bát sạch ngon cơm". Thực khách ăn càng lâu, sẽ càng ít so sánh và cho rằng Phở 24 là ngon nhất đối với họ.
- Ngoài phương châm bán hàng "không chỉ là phở" anh còn có bí quyết gì khác khi xây dựng thương hiệu Phở 24?
- Xây dựng thương hiệu Phở 24, ngay từ đầu chúng tôi đã đặt ra tầm nhìn quốc tế. Phở 24 không chỉ kinh doanh trong phạm vi VN. Chúng tôi xây dựng một chiến lược dài hạn rõ ràng, có phương pháp quản trị hiện đại. Từ cách tổ chức, thiết kế, trang trí nhà hàng đến mô hình kinh doanh, sang nhượng thương quyền, sản phẩm v.v... đều được chú trọng ở mức quy chuẩn. Và quan trọng là chúng tôi cam kết với những gì chúng tôi đưa ra. Điều này thấm vào từng nhân viên và tác động đến đối tác. Và họ chia sẻ quyết tâm đó với chúng tôi.
- Mô hình kinh doanh Phở 24 đã được nhượng quyền thương hiệu ở trong và ngoài nước. Những yếu tố nào là nguyên tắc không thể thay đổi khi sang nhượng?
- Nói chung những cái gì liên quan đến bản sắc thương hiệu thì không thể thay đổi, như món ăn, khẩu vị, thiết kế trang trí cửa hàng, đồng phục nhân viên, chén bát, v.v... Rất nhiều thứ khi sang nhượng phải bàn bạc kỹ với nhau. Nhưng có những cái có thể thay đổi, đặc biệt là những gì gắn với tinh hoa văn hoá địa phương, đất nước của đối tác mình sang nhượng thương quyền. Điều này sẽ làm giàu cho thương hiệu của mình. Khi sang nhượng tại Indonesia, đối tác cho biết người dân ở đây rất thích ăn cánh gà. Chúng tôi đã nhân nhượng để họ đưa món ăn này vào nhà hàng phở, nhưng cũng ràng buộc họ phải chế biến món cánh gà theo kiểu VN
- cánh gà chiên nước mắm.
- Anh đang đảm trách nhiều chức danh: Doanh nhân, nhà giáo, tác giả viết sách kinh tế... Anh thích được nhìn nhận ở chức danh nào nhất?
- Tôi chưa bao giờ suy nghĩ về câu hỏi này. Nhưng từ thâm tâm, là nhà giáo và viết sách tôi thấy tự hào hơn. Công việc này ổn định, và giúp tôi dồn tâm huyết cho lớp trẻ đi sau. Kinh doanh cũng đáng tự hào nhưng quá nhiều chông gai và cũng rất phù du.
- Anh muốn bấu víu vào một chốn bình yên?
- Không hẳn! Con người tôi thích sự mạo hiểm, nhưng phải có tính toán, suy nghĩ. Làm thầy bắt tôi phải chuẩn bị bài rất kỹ trước khi lên lớp, như một sự tự học, qua đó mình giỏi lên.
- Anh thường truyền đạt thông điệp gì cho sinh viên của mình?
- Hãy sáng tạo, đột phá và sẵn sàng chia sẻ, ngay cả những thất bại và những dự án tương lai của mình.
- Vừa được ĐH Griffith của Australia phong hàm Giáo sư Danh dự, hẳn anh rất vui và tự hào?
- Được phong hàm Giáo sư Danh dự là được mở cho một cửa ngõ tiếp cận với nguồn kiến thức thế giới. Qua những chuyến đi thỉnh giảng, tôi có cơ hội quảng bá về VN ra thế giới. Nói nghe to tát, nhưng thực sự là thế. Cái được ở đây không chỉ mỗi mình ông Lý Quý Trung, mà qua đó còn cho thấy sự đánh giá của một trường ĐH Australia, của người Australia, đối với người VN. Tôi cảm thấy sướng hơn vì chính điều ấy. Như dạo sang nhượng mô hình Phở 24 tại Philippines, số tiền thu về chưa hẳn lớn nhưng mình thấy sướng vì họ phải trân trọng, trải thảm đỏ đón mình, phải trả giá cho một thương hiệu VN mà họ muốn mua. Từ đó mà tôi mơ Phở 24 sẽ còn đi xa hơn đến những Bắc Kinh, New York, Paris, London...

- Cảm ơn anh!

Thẩm Hồng Thụy thực hiện

Lao Động Cuối tuần số 14 Ngày 15/04/2007


Lý Quý Trung sinh năm 1966, tốt nghiệp cử nhân ngành quản trị nhà hàng, khách sạn và cao học du lịch tại Australia. Năm 2003, Lý Quý Trung lấy học vị tiến sĩ quản trị kinh doanh tại Mỹ. Hiện anh là giám đốc điều hành Nam An Group, trong đó có thương hiệu Phở 24. Anh cũng thỉnh giảng tại ĐH Văn Lang, ĐH Kinh tế và khoa Cao học Quản trị kinh doanh ĐH Quốc tế RMIT tại TPHCM. Năm 2004, anh được nhận giải thưởng đặc biệt "Australia-Asia Executive Award" từ Chính phủ Australia (một giải thưởng dành cho những cá nhân có những đóng góp xuất sắc cho đất nước mình và cho mối bang giao với Australia, khu vực Châu Á). Lý Quý Trung cũng là tác giả của hai quyển sách kinh tế: "Franchise (nhượng quyền thương hiệu) - Bí quyết thành công bằng mô hình nhượng quyền kinh doanh" (NXB Trẻ, 2005); "Mua franchise - Cơ hội mới cho các doanh nghiệp VN" (NXB Trẻ, 2006).

Aucun commentaire: