vendredi 8 février 2008

Ông Tý... chuột


Nhứt thời đom đóm vào nhà,
Nhì thời chuột túc, thứ ba bông đèn.



Đám cưới chuột hay Trạng chuột vinh qui


TTCT - Cứ theo quan niệm dân gian thì “chuột túc” (rúc lên một hồi như gà trống “túc mái”, chứ không phải là kêu “chút chít”) là điềm may mắn, sắp phát tài! Do đâu mà có sự tin tưởng như vậy thì vẫn chưa lý giải được.
Háu ăn, đẻ nhiều và hoạt động về đêm nên chuột có thể là một ẩn dụ phong tình, nói rộng ra là khả năng sinh sôi nảy nở. Câu ca dao Nam bộ nổi tiếng sau đây như cũng hàm ý đó:

Chuột kêu chút chít trong rương,
Anh đi cho khéo, đụng giường má hay!

Giống một số động vật khác, như chó chẳng hạn, chuột là một biểu tượng hai mặt. Mặt xấu, nó là loại tham lam, trộm cắp và gây hại, nhút nhát và bủn xỉn; mặt tốt, trong cách kiến giải tôn vinh, nhấn mạnh vào năng lực sinh sản dồi dào của nó. Trong trường ca cổ đại Hi Lạp, thần Apollon - được nhắc đến với tên Sminthée, phối sinh bởi một từ có nghĩa là chuột - đã trả thù kẻ lăng nhục mình bằng cách giáng bệnh dịch hạch cho họ; nhưng mặt khác, Apollon lại che chở con người chống lại loài chuột với tư cách là vị thần mùa màng. Thần thoại Ấn Độ lại kể rằng thần chuột, con của thần bão táp Rudra, cũng có khả năng gây bệnh và chữa bệnh.
Ở Trung Quốc, chuột biểu trưng cho tính cần cù và sự giàu có dựa trên khả năng định vị nơi chốn có cái ăn của để, tính ky cóp và tích lũy được một lượng lương thực dồi dào. Khi nghe chuột sục sạo, người Trung Quốc cho đó là “chuột đang đếm tiền”. Ở Nhật Bản, chuột là bạn của thần tài Daikoku (thần đứng trên hai bó lúa và nắm trong tay cái búa vồ - hai biểu tượng cho sự thịnh vượng. Thần bảo hộ đồng ruộng, đem đến những vụ mùa bội thu). Ở xứ ta, nhiều địa phương hằng năm có tục cả làng mở hội kéo nhau ra đồng diệt chuột để bảo vệ mùa màng, song dân vạn chài, dân buôn bán ghe bầu đều lập trang thờ “ông Tý” và họ kiêng gọi “tục danh” của ông Tý là “chuột”. Họ “sống chung với chuột” nên cầu mong ông Tý ăn gì thì ăn chỉ xin đừng đục thủng nan ghe thuyền gây họa giữa biển khơi, sông nước!


Chuột rước rồng

Trong văn chương chúng ta có truyện thơ Trinh thử, đồng thời có Hịch trừ chuột (Thảo thử hịch). Tác phẩm đầu ca ngợi tấm lòng trinh tiết của chuột bạch, tác phẩm sau kêu gọi người người tận trừ lũ chuột:

Lông mọc xồm xoàm;
Tục kêu chú lắt.
Tính hay ăn cắp;
Lòng chẳng kiêng dè.
Chỗ ở ăn hang lỗ nhiều bề;
Đường qua lại đào ra hai ngách.
Nghe hơi động vội vàng chạy mất, trốn xuôi trốn ngược nhát quá mẹ cheo;
Chờ đêm khuya sẽ lén túc nhau, bò dọc bò ngang liến hơn cha khỉ.
Gọi danh hiệu: chuột xạ, chuột lắt, chuột chù, chuột cống - anh em dòng họ nhiều tên;
Tra quán chỉ: ở nhà, ở ruộng, ở rạch, ở lùm - bầu bạn non sông lắm chỗ.
Lớn nhỏ răng đều bốn cái, ăn của người thầm tối bao nhiêu;
Vắn dài râu cũng chia hai, vắng mặt chủ lung lăng đà lắm lúc.
Vả sáu chục giáp hoa đứng trước, lẽ thì thiện tính linh tâm;
Thì mười hai chi tuế ở đầu, cũng đáng cư nhân do nghĩa.
Cớ sao lại đem lòng quỉ quái;
Cớ sao còn chuộng thói gian tham? (...)


(Nguyễn Đình Chiểu - Thảo Thử hịch)


Lý do chuột đứng đầu “hoa giáp” (một “hoa giáp” gồm 60 năm: mở đầu Giáp Tý, kết thúc ở Quí Hợi) và đầu bảng “thập nhị chi” (12 địa chi, nôm na gọi “12 con giáp”), theo truyện kể là vì một chuyện bất chính của chuột. Số là Ngọc hoàng sai mèo đi triệu tập 11 con thú (cùng với mèo) đến để sắp thứ tự 12 con giáp. Chuột nghe lén được lời mèo báo với trâu nên lẻn trèo lên lưng trâu đến dự cuộc. Đến nơi, chuột láu cá phóng tới đứng đầu. Ngọc hoàng vô ý ra quyết định: “Tí, Sửu, Dần, Mẹo (ban đầu là con thỏ, chứ không phải mèo như sau này), Thìn... Hợi...”. Mèo bị “lọt sổ” nên từ đó thù chuột đến tận ngày nay!
Chuột chiếm được ngôi đầu bảng “thập nhị địa chi” nên tha hồ tự tung tự tác, song vì còn mèo luôn ôm mối thâm thù nên ở đâu có mèo thì chuột đành nằm im trong hang ổ chẳng dám nhúc nhích. Thế là họ hàng nhà chuột, sau nhiều năm bàn tính, quyết định chọn một tiểu thư chuột xinh đẹp để gả cho mèo. Đến ngày nghinh hôn, cô dâu chuột vừa bước tới cửa thì mèo nhảy ra ních vào bụng. Cuộc hôn nhân kỳ quái này được thể hiện thành bức tranh dân gian Chuột gả con rất phổ biến ở Trung Quốc. Câu chuyện này và bức tranh Đám cưới chuột cũng lưu truyền ở xứ ta với ít nhiều dị biệt. Riêng ở Trung Quốc, hằng năm, tùy theo từng địa phương, người ta chọn một “ngày lành” để thực hành “đám cưới chuột”: lấy mè và gạo đem rang, rồi trộn với đường đem để chỗ khuất, nơi chuột thường qua lại, lại cọ rửa nồi niêu, rổ rá nói là để lo “hôn sự” cho chuột; sáng sớm lại trỏ các hang chuột mà rủa. Họ làm thế vì tin là có thể đoạn tuyệt với mối lo lắng về chuột. Bức tranh Chuột già gả con (Lão thử giá nữ) nói về sự tích này, biểu thị ý nguyện biến cái họa thành điều tốt lành là vậy. Ngoài tranh Lão thử giá nữ, Trung Quốc còn có loại tranh Chuột vàng gom của được thể hiện rất đa dạng, để chúc tụng việc gia tăng tài lộc “chiêu tài tiến bửu”. Nói chung, chuột có một hàm nghĩa tích cực trong quan niệm truyền thống của Nhật Bản lẫn Trung Quốc và thể hiện phổ biến trong mỹ thuật cổ.

Chuột vàng gom của


Chuột già gả con gái (Lão thử giá nữ)






Chiêu tài tiến bửu




Con mèo trèo lên cây cau,
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đường xa,
Mua mắm, mua muối giỗ cha chú mèo.


Bài ca dao phổ biến trên hàm chứa một nghịch lý: kẻ bị hại lại lo giỗ quải cho tổ tiên kẻ rắp tâm làm hại dòng họ nhà mình. Nghịch lý đó được lý giải dưới cái nhìn xung đột xã hội, tương tự với cách hiểu của bức tranh Đám cưới chuột của làng tranh Đông Hồ: nỗi khổ nhục của người dân lao động xưa, phải lo lót, cúng biếu bọn cường hào, quan lại.
Thật ra, bức tranh Đám cưới chuột có nhan đề là Trạng chuột vinh qui, do đó có thể hiểu theo cái nhìn của một bức tranh chúc tụng, thuộc đồ án biểu thị “cát tường như ý” truyền thống. Mèo ở bức tranh này là biểu tượng của người tuổi thọ bát tuần. Theo truyền thống, tranh vẽ mèo dùng để chúc thọ. Điều này có thể dựa trên sự đồng âm của từ “miêu” (mèo) và “mạo” (người thọ bát tuần).
Ở đây, bức tranh Trạng chuột vinh qui với ngựa trạng chuột đi trước, kiệu nàng chuột theo sau về quê bái tổ, tạ ơn các bậc trưởng thượng ngoài làng xóm, trong họ mạc. Nói chung, với cái nhìn phong hóa, bức tranh này biểu hiện một ý nghĩa có khác với cách giải thích mang tính xung đột xã hội. Theo đó, bầy chuột ở đây hàm nghĩa mong cầu đông đúc, sinh sôi nảy nở. Điều đó cũng có thể nhận ra ở một bức tranh Đông Hồ khác là tranh Rước rồng, vẽ một đám chuột đang múa rồng. Rồng ở đây biểu thị lời chúc hưng long, mưa thuận gió hòa, khương thái... và chuột cũng hàm ý phồn thực.
Chuột trong đời sống thường nhật là con vật gây hại, nhưng trong tập tục văn hóa, trong tác phẩm mỹ thuật lại là biểu tượng của tài lộc, sự phồn vinh. Năm chuột đến trong xấu có tốt, trong dữ có lành. Mong được là vậy.




HUỲNH NGỌC TRẢNG

Aucun commentaire: