jeudi 7 février 2008

Ông Tư Ngựa, đương kim nói dóc miệt đồng


Ông Tư Ngựa

Ở Mộc Hóa (Long An) có ông Tư Ngựa nổi tiếng với tài đía dóc, chọc ngoáy thiên hạ. Ông có nét giống giai thoại Ba Giai-Tú Xuất, thể hiện cái chơn chất, cà khịa của người Nam bộ.
Về Mộc Hóa hỏi chuyện Tư Ngựa, ai cũng bảo: “Ông Tư Ngựa nói dóc có lẽ chỉ sau bác Ba Phi”. Ở tuổi 75, ông Tư đi đứng bắt đầu liệu khiệu nhưng nói năng vẫn còn minh mẫn chán.
Đường vào nhà Tư Ngựa độ gần Tết mà nước vẫn lênh láng, nhà trên cái gò cao, lọt thỏm giữa cánh đồng ngập nước. Có khách, ông Tư sai con dâu bắc nồi canh chua cá đồng, còn mình thì ra cái lu sau hè bắt con cá lóc bằng bắp tay nướng trui. “Nhậu mậy! Có gì nhậu nấy nghen. Làm gì nhìn tao hoài vậy, bộ thấy tao đẹp trai lắm hả?”.
Hỏi ông mấy chuyện nói dóc, ông khoát tay: “Uống đi mày ơi, có gì kể đâu”. Nói vậy nhưng nổi hứng, ông “xì” ra.

Cười hả hê, sảng khoái


“Tao ghét mấy tật ham chơi, làm biếng lắm”. Là vầy, bạn ông có con chim cu suốt ngày o bế, cưng như trứng mỏng, có người trả đến chục giạ lúa vẫn không bán. Bữa ông đến chơi, lén... vặt cổ con chim, giấu vào bụi chuối. Sau đó ông rủ nhậu, phân công bạn đi mua rượu, còn mình ở nhà kiếm mồi. Hôm sau người bạn phát hiện sự thể, tức anh ách. Ông Tư Ngựa hề hề: “Bộ mình tao ăn hà? Thôi để bữa khác tao đi rập về cho mày mấy con luôn”. Hỏi ông sao chơi ác vậy, ông tỉnh queo: “Có con chim mà o bế suốt ngày, riết hổng chịu mần ăn gì ráo trọi”.
Qua chơi xóm chợ, thấy cả nhà anh kia đang ngồi chơi trong khi mẹ mình đang mần ruộng, ông nói với người bạn: “Nhà thằng này lạ quá, má nó trượt chân té trẹo họng ở trển mà nó còn ngồi đây”. Báo hại nhà họ táo tác một phen, về nhà mới hay bị mắc lỡm “cha” Tư Ngựa. Bữa khác Tư Ngựa sang chơi nhà hàng xóm. Cả nhà này đang quýnh quáng vì thằng con bị bệnh tiêu chảy. Ông nói: “Tưởng gì, dễ ẹc. Ra vườn tuốt mớ lá chuối khô vô đây!”. Vợ chồng hàng xóm tất tả ra vườn bứt lá đem vào, hỏi: “Đem sắc uống hay làm gì bác Tư?”. Tư Ngựa tỉnh bơ: “Thì chờ nó ỉa xong lấy lá chuối... hốt chớ làm gì!”. Rồi ông đủng đỉnh: “Tụi bay phải bình tĩnh chớ, cho thằng con uống nước muối pha đường rồi chống xuồng chở lên trạm xá. Gì mà rối dữ vậy?”.


Đi nhậu với bạn bè.


Có lần ông Tư Ngựa đi chơi về, đường xa, nước lớn lại không có đò. Ông bèn quành vô nhà bà Bốn Nhành, một lái heo xóm chợ: “Nhà có lứa heo xuất chuồng, chị cho người vô coi thử, nếu được giá thì bắt về luôn”. Bà Nhành kêu người lấy xuồng chở Tư Ngựa về. Bơi xuồng cả tiếng đồng hồ mới đến nơi, người nhà bà Nhành chẳng thấy heo đâu nên đổ quạu. Tư Ngựa cười: “Chắc lũ cuốn trôi mất rồi, thôi chờ lứa sau vậy! Cám ơn đã cho tui quá giang nghen, vô uống miếng nước rồi về”.
Dân Nam bộ lâu năm mấy ai không nhớ trận lũ lịch sử năm 1978. Vậy mà qua lời của Tư Ngựa, cái lao đao, khốn đốn của trận lũ ấy lại trở nên nhẹ nhàng. “Năm đó, tao đang chăn trâu thì thấy có con cá to hết biết ngoi lên mặt nước. Tao về bắt con vịt xiêm, lấy lưỡi câu to tổ bố móc vô, đem ra câu. Mồi vừa thả xuống, con cá táp cái phập làm mặt nước dậy sóng. Rồi con cá cứ thế kéo phăng cần câu lôi đi, bơi miết sang... Campuchia. Tao cưỡi trâu chạy theo, tính bắt cho bằng được con cá. Đúng lúc ấy thì lũ dâng cao, tràn vô nhà tao, cuốn phăng tất cả heo, gà, thóc lúa, nồi niêu..., hổng còn gì ráo trọi...”.

Chơi khăm ác gian
Thời chính quyền Sài Gòn cũ, nhiều kẻ cậy thế chức quyền đã phải ê mặt trước ông Tư.
Tỉnh trưởng tỉnh Kiến Tường (nay là Mộc Hóa, Long An) có thời quen biết Tư Ngựa. Vừa về nhậm chức, tay này cho người đến nhà kêu Tư Ngựa ra chơi, tặng ông vài món quà nhỏ rồi dặn: “Nghe nói ông có nhiều ngựa hay, có gì kiếm cho tui một con đi đây đi đó cho tiện”. Tư Ngựa nghĩ thầm: “Cho mấy món quà mà đòi xin con ngựa, thực dụng quá cỡ thợ mộc!”. Hôm sau, ông dắt con ngựa chiến ra cưỡi lòng vòng cho tỉnh trưởng coi. Tỉnh trưởng khoái chí cầm cương leo lên cưỡi thử. Ban đầu con ngựa đi nước kiệu rất êm, “quan” yên tâm thúc hông ngựa cho phi nước đại. Ông Tư “tróc lưỡi” một cái, con ngựa liền giở chứng hất tỉnh trưởng té lăn cù. Tỉnh trưởng vừa đau vừa quê độ nên trả lại con ngựa.
Sau đó, ông Tư Ngựa còn dám lừa cả Ngô Đình Diệm. Khi Diệm đi thị sát tỉnh Kiến Tường, quận trưởng quận Châu Thành (nay là một phần huyện Mộc Hóa) giao Tư Ngựa lựa thịt bò ngon để thết tiệc. Thay vì tìm bò tơ, Tư Ngựa mần thịt con nghé. Ăn xong ai cũng khen thịt bò ở đây ngon, còn xin miếng thịt mang về. Quận trưởng nghi: “Hỏi thiệt, thịt trâu hay bò cha nội? Có người kiêng thịt trâu, lạng quạng chết cả lũ đó!”. Tư Ngựa tỉnh bơ: “Con nghé!”. Quận trưởng tái mặt. Tư Ngựa đế thêm: “Nghé chớ đâu phải trâu!”. Quận trưởng đành ngậm bồ hòn làm ngọt, bởi rùm beng có khi quận trưởng mất chức như chơi. Nhắc chuyện, Tư Ngựa cười ha hả: “Mình mần mệt chết mẹ mà tụi nó xe đưa xe đón thị sát chuyện dồn dân lập ấp. Ghét! Tao chơi cho biết...”.
Đang hề hề nhắc chuyện nhà, ông chép miệng: “Diễm Hương bỏ tao đi từ tám đời rồi. Buồn chết mẹ!”. Con dâu ông nói đỡ: “Ổng nói bà già đó. Hồi bả còn sống, đi đâu ổng cũng chở đi, ai hỏi thì ổng bảo Diễm Hương và Lý Hùng mà, đẹp đôi hông...”. Ngoái đầu chỉ tấm Huân chương Chiến công hạng Hai trên vách, ông cười: “Tao cũng là dân có hạng nhen mậy!”. Ông Tư Ngựa từ lâu đã thôi nói dóc nhưng những bận trà dư tửu hậu hay lúc giải lao giữa đồng bưng, dân tình vẫn mang chuyện cũ ra say sưa bình phẩm. Đêm đêm, ở những miệt đồng heo hút, trẻ con trong làng lại “chóc mỏ” ngồi nghe mấy ông già kể lại. Người nọ chuyền người kia, cứ thế câu chuyện lan xa, có khi người ta thêm mắm thêm muối trở thành dị bản...


NGÔ THÁI BÌNH




Ông Tư Ngựa tên thật là Trần Văn Tư, nhà ở gò Đất Sét, ấp Bầu Vuông, xã Thạnh Hưng (Mộc Hóa, Long An). Cái tên Tư Ngựa bắt nguồn từ ngày ông chăn ngựa cho quận trưởng Châu Thành (tỉnh Kiến Tường cũ, nay là Mộc Hóa, Long An).

Aucun commentaire: