mardi 5 février 2008

Người đi... ngược gió !


Nguyễn Phan Anh Tú - lại là tên của một cô gái xinh xắn, sinh năm 1985, vừa tốt nghiệp Đại học Oxford của nước Anh. Cùng một lúc, cô theo học cả hai ngành: Quản trị kinh doanh và tiếp thị.

Sau bốn năm ở một đất nước nổi tiếng, câu chuyện của cô không có những danh lam thắng cảnh, ẩm thực phong phú, hay những tiện nghi hiện đại… song vẫn đầy sức hấp dẫn và cảm động bởi nghị lực của một cô gái trẻ.
“Khi tôi đang học lớp 9, ba mẹ tôi bị thất bại, phá sản. Với tôi, những ngày tiếp theo là một sự thay đổi khủng khiếp. Từ giã ngôi biệt thự, gia đình, 5 người, ba mẹ và 3 đứa con sống chật chội lay lắt trong một căn phòng nhỏ xíu, mà tiền thuê nhà cũng đủ làm chóng mặt.
Trong những khối tài sản phải bán đi trả nợ, tôi tiếc nhất cây đàn Piano, bởi nó cùng tôi lớn lên, nuôi dưỡng tuổi thơ. Biết tôi yêu âm nhạc, mẹ cố giữ cây đàn violon, và tôi cắm đầu vào kéo đàn, chống chọi với khủng hoảng. Nhưng trước khó khăn của gia đình, tôi cũng phải giã từ cây đàn nhỏ bé, dù nó chỉ đổi được vài bữa cơm đạm bạc.
Dù yêu đàn, nhưng tôi không chọn làm nghiệp gắn bó. Cái chết của một người bạn thân, khi đang là sinh viên trường Y, khiến tôi bàng hoàng, thương tiếc và tự nhủ mình theo nghề của anh. Nhưng mơ ước đó bị dập vùi, quên lãng vì ba mẹ không thể đủ sức nuôi tôi học y khoa. Bản thân tôi phải đi dạy kèm, đi chơi đàn ở các quán ăn…để tự lo thân. Khi học cấp ba, tôi chỉ muốn vào ĐH kinh tế, vì suy nghĩ đơn sơ, đây là ngành học có thể kiếm được tiền lo cho gia đình. Tôi tự học tiếng Anh, để dễ tìm việc làm.

Gieo mầm tương lai

Rồi một cuộc gặp gỡ đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Đó là một chiều, tôi làm quen với một người Ý, chỉ vì muốn thực hành nói tiếng Anh. Người bạn mới, một tình nguyện viên của một tổ chức phi chính phủ hỏi tôi. “Sao bạn không đi du học? Tại sao không?”. Gợi ý của ông bạn gieo vào tôi một niềm tin. Không nói suông, anh bắt đầu lên mạng, “search” vào danh sách các trường ĐH trên thế giới, và chọn ra cho tôi 5 đề thi. Đáp lại sự giúp đỡ của anh, tôi cố gắng làm bài, coi như một cơ hội rèn luyện kỹ năng viết tiếng Anh.
Nhưng thật bất ngờ, ĐH Oxford của Anh quốc, gọi tôi nhập học, ngành quản trị kinh doanh. Niềm vui không vượt được nổi lo. Anh bạn người Ý, tiếp tục giúp tôi bằng cách kêu gọi tổ chức của anh tài trợ cho tôi tiền máy bay, và động viên tôi cứ sang Anh, học có kết quả tốt sẽ xin được học bỗng. Nhưng tôi cũng phải có một số tiền để sống trong một thời gian chưa có học bỗng, mà tôi không biết là bao lâu.
Tôi nói với mẹ. Bà chỉ im lặng! Tôi gõ cửa những công ty lớn, trình bày nguyện vọng đi học, cam kết sẽ về làm việc cho công ty. Nhưng chẳng ai tin tưởng, chịu đầu tư cho một cô gái nhỏ bé trong chiếc áo dài trắng. Con đường du học của tôi cứ mờ dần…
Khi gần đến ngày nhập học, bỗng nhiên mẹ dúi cho tôi gần 1000 USD. Mẹ đã bán hết mọi thứ kỷ vật của ngày lên xe hoa, vay mượn thêm…để nuôi ước mơ của tôi. Mẹ nhắc tôi giữ gìn sức khỏe. Bà đọc được trong mắt tôi niềm vui tột cùng, cùng ý chí quyết tâm đi học và tôi hiểu thế nào là lòng mẹ bao la! Một người bạn thân của mẹ tặng tôi cây đàn violong, để tôi có một người tri kỹ cùng đi đến vùng đất lạ vào cuối năm 2003.
Nước Anh đón tôi bằng một lớp sương mù, rét buốt, khiến tôi cứng người, đứng chôn chân giữa phố, may có người phát hiện đưa tôi vào nhà. Vốn từ tiếng Anh hơn 500 điểm TOFLE của tôi, sang đây, cũng trở nên điếc đặc khi nghe người bản xứ nói. Dò dẫm, rồi tôi cũng đến được trường Oxford, ngôi trường danh giá, nổi tiếng. Tôi phấn chấn dạo một vòng quanh sân trường, không khí đậm đặc sự nghiên cứu, uyên bác.
Tôi ra mắt các thầy phụ trách. Họ kiểm tra xem tôi có đúng là người đã làm bài thi gửi đến cho trường qua mạng không. Dù chuẩn bị khá kỹ nhưng tôi vẫn trình bày lại những gì mình viết một cách lập cập. Các thầy bảo tôi phải học thêm tiếng Anh tại Học viện ngôn ngữ quốc tế tại TP này, phải làm lại một tiểu luận khác theo yêu cầu của trường, nếu trình bày và được hội đồng giáo viên chấp nhận, thì mới trở thành sinh viên chính thức của trường.

Oằn mình nơi đất khách

Tôi chọn một khách sạn bèo nhất TP Oxford, giá cũng đã đến 20 USD một đêm, nhưng vì phải chi một khoảng lớn trong số tiền còm cỏi, cho việc học tiếng Anh, nên trong một tuần, tôi đã cạn túi. Tôi quay về trường, gặp người quản lý du học sinh nhờ giúp đỡ. Anh ta lắc đầu: “Trường này đâu phải nhà trọ, nhà mở…Bạn phải tự lo, cố gắng có học bỗng, cuộc sống sẽ dễ dàng hơn”. Tôi kéo vali ra khỏi khách sạn, không biết đi đâu, ở chốn không bạn bè, không người thân. Lần đầu tiên qua đêm tại sân tàu điện ngầm, dùng hai vali làm giường, co ro trong chiếc áo choàng có dòng chữ ĐH Oxford làm chăn, tôi không sao ngũ được. Tôi đúng là một kẻ “homeless” rồi !
Sân ga này quá rộng và bẩn, nên cảnh sát không quá khắt khe, xua đuổi. Tuy nhiên, nơi đây, lúc nào cũng sáng đèn, trật tự, kẻ tham cũng biết thừa sinh viên phải ngũ bụi, thì trong túi cũng chẳng có gì. Tôi đành chọn sân ga làm “nhà”. Có một ban nhạc chơi ngay trong sân ga. Tôi mon men đến làm quen, xin tham gia. Họ từ chối, vì tôi không có giấy phép, nếu cảnh sát phát hiện tôi làm chui, sẽ trục xuất tôi về nước.
Đói ở xứ lạnh là một chuyện khủng khiếp, đến nỗi tôi phải bán cây đàn violong với giá chỉ có 30 USD để sống sót, rồi những gì trong vali có thể bán được, tôi đều bán hết, vừa có tiền, vừa nhẹ, vì đi đâu, tôi cũng phải kéo chúng theo. Mỗi ngày, ngoài việc học tiếng Anh, tôi phải bắt đầu viết bài tiểu luận về cách quản lý của nhà hàng KFC (gà rán ). Tôi nhịn đói, để dành tiền đi xe buýt, tàu điện…Nhịn đói đến ngày thứ ba, trong cơn run rẩy, tôi gặp một người đàn bà đi cùng một con chó. Bà là người vô gia cư, ăn xin có giấp phép.
Biết tôi là sinh viên, bà đồng ý cho tôi theo, hôm nào có tiền, tôi được bà dẫn về trại ngủ tập thể, giá rất rẻ, và được nằm hẳn hoi một mình trên một cái giường. Nhưng những ngày thiếu ăn, ngũ bụi vẫn nhiều hơn. Con chó tên Đôla, biết điều, tự tìm thức ăn trong thùng rác. Tuy nhiên, có bà làm bạn, tôi vui lắm. Ai có thể biết, một cô gái chững chạc đến phỏng vấn các nhà quản lý lấy tư liệu, lại là một kẻ lang thang, sống nhờ vào lòng từ thiện của người đi đường. Một hôm, người đàn bà ấy bỏ đi, khi tôi ngũ say. Tự nhiên, tôi quá nản lòng, muốn quay về nhà ngay tức khắc. Trước khi đi, tôi đã trấn an mẹ: “Có vé khứ hồi, nếu mọi sự trục trặc, con sẽ quay về”.

Cây đàn violon và niềm tin tỏa sáng

Trong lúc ngồi chờ máy bay, tôi suy nghĩ mông lung. Tôi đã xa nhà hơn hai tháng, chắc mẹ cũng chưa trả hết nợ nần, kỳ tuyển sinh ĐH trong nước đã xong, tôi đâu còn cơ hội thi. Chẳng lẽ, tôi về nhà tay không? Ít ra cũng phải lấy được bằng Tofle 600 điểm…Tôi quay lại sân ga. Người đàn bà hành khất đã trở lại chỗ cũ. Con chó rối rít mừng tôi. Bà ta nhìn ban nhạc kiếm được nhiều tiền, chép miệng với tôi: “Phải chi mày cũng biết đàn!” Tôi tròn mắt gật đầu lia lịa. Bà kéo tôi ra một tiệm bán đàn, thuê cây đàn violon cũ, không đủ tiền trả, bà bèn thế chấp con chó.
Ông chủ tiệm gật gù: “Nếu 10 ngày sau, không mang tiền lại, thì con chó sẽ bị giết”. Nhưng, tôi chưa đủ điều kiện để được phép chơi đàn. Mùa đông ập đến, cơn đói đe dọa, con chó sẽ bị giết… tôi chạy ra ngoài phòng cấp giấy phép, và bật khóc nức nở. Người đi đường dừng chân hỏi chuyện. Họ cảm thông, họ biểu tình, họ đòi hỏi… Cuối cùng, tôi được một giấy phép chỉ được đàn trong những giờ vắng khách. Họ lại đến nghe, ủng hộ…Mọi việc đang suôn sẻ, thì một lần nữa, người đàn bà ôm hết tiền, bỏ đi cùng với cây đàn. Khi tôi đi học về, chỉ có con chó ngồi chờ.
Tôi lại trắng tay, hụt hẫng, và lại muốn quay về nhà. Nhưng rồi tôi nghĩ lại chặng đường đã qua, con đường đầy gai mà tôi đã rẽ ra mà đi, tôi phải đến đích. Tôi đến chỗ tiệm đàn, ông chủ tiệm thông cảm với tôi, nhận hộ chiếu làm vật thế chấp. Trong một góc sân ga, tiếng đàn của tôi với những giai điệu của nhạc Trịnh đã níu chân nhiều khách qua đường, trong đó có rất nhiều người Việt. Tôi ấm lòng, đỡ nhớ nhà, nhớ quê.
Có tiền, tôi an tâm dồn sức học hành. Bài tiểu luận của tôi được trường chấp nhận, vốn từ tiếng Anh của tôi đã đủ để tôi được trở thành sinh viên chính thức của trường. Tôi được vào ký túc xá, chấm dứt 6 trời tháng lang thang, sống cảnh “bụi đời”. Tôi tiết kiệm, tính toán trong số tiền học bỗng, ưu tiên mua một chiếc laptop, sách, còn ăn uống vẫn chủ yếu là bánh mì không thịt. Tôi dẫn con Đôla vào ký túc xá, nhưng chẳng bao lâu thì con chó già tình cảm ấy qua đời.
Sau hai năm học hành, làm thêm nghề giữ trẻ, dành dụm được ít tiền, tôi mới tính chuyện về nhà thăm gia đình, và tìm nguồn tư liệu chuẩn bị cho luận án tốt nghiệp. Không thể tả hết nổi xúc động khi tôi trở lại sân bay Tân Sơn Nhất. Mọi người đều kinh ngạc thấy tôi khóc như mưa. Mấy ai biết, đó là nước mắt của hạnh phúc, của nhớ thương…”
Tết năm nay, My - tên gọi ở nhà của Anh Tú - không còn lang thang ở xứ người, hay co ro đọc sách, rồi ngũ quên trong cơn nhớ nhà. Con đường phía trước của một cô gái trẻ vẫn còn nhiều thách đố của công việc, của sự nghiệp… Nhưng cô vẫn thương lắm nẻo đường đã qua, con đường mà đi theo chiều ngược gió, có quá nhiều kỷ niệm. Cô cảm ơn những gian nan, nghèo khó, cảm ơn cả người đàn bà bí ẩn, bội bạc… vì nhờ sự bỏ đi của bà, mà cô trưởng thành.


Theo TRƯỜNG SƠN
Báo Phụ Nữ TP.HCM Xuân Mậu Tý

Aucun commentaire: