dimanche 10 février 2008

Năm chuột nói chuyện chống tham nhũng của người xưa

Quan liêm là phúc nước nhà, quan tham là tai họa của nhân dân. Việc chống tham nhũng của người xưa cũng để lại nhiều kinh nghiệm quý báu mà ngày nay chúng ta có thể tham khảo.

Năm Tý nói chuyện chống tham nhũng của người xưa
(Ảnh nguồn: tuoitre.com.vn)

Quan liêm là phúc nước nhà, quan tham là tai họa của nhân dân
Tham nhũng luôn là mối họa lớn với dân, với nước, ảnh hưởng tới sự tồn vong của dân tộc. Cụ Trạng Trình - Nguyễn Bỉnh Khiêm, coi tham nhũng như là một loại chuột nguy hiểm, chuyên đục khoét của dân, của nước. Cụ Lê Quý Đôn coi tham nhũng là một trong bốn nguyên nhân mất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời coi tham nhũng là thứ giặc nội xâm, cũng nguy hiểm không kém gì giặc ngọai xâm.
Lật giở từng trang sử cũ của dân tộc, ta còn thấy đó những tấm gương đạo đức sáng ngời của các bậc tiền nhân. Những vị minh quân như vua Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông..., những vị quan Lý Đạo Thành, Tô Hiến Thành, Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, Nguyễn Trãi… là những vị hùng tài đại lược, đức độ ngút trời, hết lòng chăm lo cho dân, cho nước.


Tượng đài vua Lý Thái Tổ bên Hồ Gươm HN
Nguồn: kientrucvietnam.org.vn


Thế nhưng, lại có nhiều vua, quan chỉ chăm chăm hưởng thụ, ăn chơi bòn rút của dân của nước, bỏ mặc dân tình khốn khó như vua Cao Tông thời Lý, vua Dụ Tông thời Trần, vua Uy Mục, Tương Dực thời Lê hiếu sát, tham dâm, chơi bời trác táng...
Vua không sáng thì tôi không hiền. Trần Khánh Dư (thời Trần) nói: “Tướng là chim ưng, quân dân là con vịt, đem con vịt mà nuôi chim ưng thì có gì là lạ?”; Hồ Tông Thốc (thời Trần) nói: “Một con đội ơn vua, cả nhà ăn lộc trời”,…
Chốn quan trường nhiều kẻ mang tư tưởng này, nếu có điều kiện họ sẽ sẵn sàng bán rẻ danh dự để được vinh hoa phú quý.
Đỗ Tử Bình (thời Trần) chẳng màng đến an nguy của quốc gia mà ẩn giấu số vàng tiến cống của vua Chiêm, gây nên cảnh binh đao, khiến vua Trần Duệ Tông phải bỏ mạng. Tể tướng Lê Thụ (thời Lê sơ) làm đám cưới cho con trai mình với nàng công chúa câm, mà của hối lộ khắp nơi đổ về kinh đô về nườm nượp, chợ kinh thành hết sạch gấm lụa.
Các triều đại phong kiến đều thấy được sự hiểm nguy của tham nhũng, nên có nhiều biện pháp tổng hợp để chống tham nhũng.
Người viết bài này, với suy nghĩ chủ quan của mình, thấy rằng người xưa đã có những phương cách chống tham nhũng mà ngày nay chúng ta có thể tham khảo.

Bảy phương cách chống tham nhũng

Thứ nhất, thực hiện chế độ lương bổng và đãi ngộ hợp lý.
Thời Lê Thánh Tông, bổng lộc quan lại gồm 2 phần cơ bản: quan lộc (lương trả bằng tiền), điền lộc (lương trả bằng ruộng). Bổng lộc giữa chức trọng, chức khinh, chức lớn, chức bé khá rạch ròi, rõ ràng. Ngoài ra, nhà nước còn rất nhiều lần ban thưởng cho các quan nhân các dịp này nọ, hoặc do họ hoàn thành tốt công việc, hoặc làm quan được tiếng thanh liêm…Thời Minh Mạng lại đặt ra lễ dưỡng liêm – quan lại được phát một số tiền ngoài lương để nuôi dưỡng sự liêm khiết. Cho nên, trong xã hội ngày xưa quan lại là những người giàu có, sung túc so với nhân dân.

Thứ hai, xây dựng chế độ thanh tra, giám sát chặt chẽ.
Từ thời Trần đã có Ngự sử đài là cơ quan giám sát quan lại ở triều đình, bên cạnh chức Tả, Hữu gián nghị đại phu có từ thời Lý. Thời Lê sơ, ngoài Ngự sử đài, năm 1471, vua Lê Thánh Tông lại đặt ra Lục khoa. Đây là cơ quan thanh tra của Lục bộ, có trách nhiệm xem xét việc làm đúng/sai của các quan và các việc không đúng thể thức ở mỗi bộ.
Ở địa phương, thời Trần có Liêm phóng sứ, làm nhiệm vụ dò xét quan lại ở địa phương; thời Hồ vai trò của Liêm phóng sứ rõ ràng hơn, thường đi về địa phương để dò xét tình hình quan, dân.
Năm 1471, thuộc niên hiệu Hồng Đức (Thánh Tông), đặt chức Hiến sát sứ ty ở các đạo thừa tuyên, có nhiệm vụ theo dõi tình hình quan lại trong đạo của mình. Ngoài ra, đôi khi vua vi hành đến các địa phương để nghe ngóng dư luận, hoặc tổ chức ra một đoàn “thanh tra” (như liêm phóng sứ) đến từng địa phương để dò hỏi nhân dân.

Thứ ba, tạo điều kiện tối đa để nhân tài tham gia vào bộ máy công quyền.
Vua Lê Hiến Tông từng nói: “Hiền tài là nguyên khí của nhà nước, nguyên khí mạnh thì trị đạo mới thịnh”. Các triều đại phong kiến trong giai đoạn thịnh trị của mình đều chú ý dùng người tài năng.
Dưới triều Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, được Phan Huy Chú khen: “Khoảng đời Hưng Long, Đại Khánh nhân tài có rất nhiều,… chỉ cần người dùng được chứ không câu nệ đường xuất thân” .
Đầu thời Lê sơ, vua Thái Tổ cũng mở rộng đường cho người tài ra làm quan, không kể người trước kia lỡ hàng giặc Minh, Vua Quang Trung cũng nhiều lần ban chiếu cầu hiền tài và có được nhiều nhân tài như Ngô Thời Nhậm, Nguyễn Thiếp,…
Từ triều Lê trở đi, đường hoạn lộ chủ yếu phải thông qua khoa cử, con cái thường dân cho đến quan lại muốn được bổ dụng đều phải học hành, đỗ đạt,… cho nên mới có “Nhị Thân phụ tử đội ân vinh” (Hai cha con họ Thân (Thân Nhân Trung, Thân Nhân Tín đỗ Đồng Tiến sĩ), được vinh hiển – như lời thơ của Thánh Tông. Người có học được nhân dân tôn vinh, “chẳng tham ruộng cả ao điền, chỉ tham cái bút cái nghiên đồ”.

Thứ tư, thực hiện chế độ khảo xét nghiêm cẩn.
Từ thời Lý, Trần, lệ khảo khóa đã có, nhưng chưa rõ ràng, quy củ. Đến thời Lê Thánh Tông, lệ khảo khóa trở nên rõ ràng: cứ 3 năm một lần sơ khảo, đến 9 năm thì thông khảo (xét toàn bộ) một lần nữa mới định việc thăng giáng.
Trong các lần khảo khóa, vấn đề liêm khiết luôn luôn là tiêu chí hàng đầu - “…xét kỹ các quan trong bộ thuộc, hoặc có người liêm hay tham, siêng hay lười” - như sắc dụ của vua Thánh Tông vào năm 1478 cho các quan Đô, Thừa, Hiến ty.
Trong các lần khảo khóa, các cơ quan giám sát, các trưởng quan ở các cơ quan, các địa phương không chỉ xem xét báo cáo của các quan cấp dưới, mà còn xem xét cả dư luận trong nhân dân. Nếu làm quan được dân mến thì xứng chức, nếu tham ô, nhũng nhiễu, dân ghét, dù không có chứng cứ vẫn xem là không làm tốt phận sự.

Thứ năm, các cá nhân, các cơ quan chịu trách nhiệm về người mình đề cử vào chức vụ mới, quan lại trong đơn vị nào tham nhũng người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Triều Lê sơ, vua Thái Tổ quy định ai tiến cử người không tốt sẽ bị truy xét là tội tiến cử kẻ gian.
Thời Lê Nhân Tông, nếu để xảy ra tham nhũng, trưởng quan và đồng liêu phải bị tội. Vua Thánh Tông - triều Lê sơ, quy định: Người được bảo cử hoặc tham nhũng, hoặc không làm nổi việc, làm quan không công trạng gì, thì điều tra xem viên quan nào đã bảo cử người ấy, mà trị tội; Lại bộ là nơi bổ nhiệm quan lại, nhưng nếu bổ nhiệm không tốt thì bị Lại khoa bác bỏ và cử người thay thế, cử người bậy phải chịu tội,…

Thứ sáu, luật pháp nghiêm trị tội tham nhũng,
Trịnh Khả lúc làm Thái úy dưới triều Nhân Tông đã nói: “Ăn trộm của một nhà còn không tha được, huống hồ ăn trộm của một huyện”, tội tham nhũng trong thời xưa bị xử rất nặng.

Thời Lý, tội tham nhũng xử như tội ăn trộm có thể bị chặt chân tay, nhận hối lộ một tấm lụa bị phạt đến trăm trượng,…
Dưới triều Lê Thái Tổ, ăn hối lộ một quan tiền đã khép vào tội chết. Thời Lê Thánh Tông, theo Lê triều hình luật người nhận hối lộ 20 quan tiền trở lên thì xử tội chém; phạm tội tham nhũng (có thể chưa rõ ràng), thì bãi chức sung quân. Tội tham nhũng dù xảy ra đã lâu, nhưng nếu phát hiện, vẫn xử rất nghiêm khắc…


Tranh dân gian Đông Hồ "Chuột rước đèn"
(Nguồn: soxaydung.bacninh.gov.vn)


Thứ bảy, tạo điều kiện để mọi tầng lớp nhân dân có thể tố cáo tham nhũng, dư luận cũng góp phần quan trọng trong đấu tranh chống tham nhũng.
Nhà nước phong kiến thường coi việc chống tham nhũng là của toàn dân, tạo điều kiện để dân chúng có thể tố giác tham nhũng, như thông qua đánh chuông, hoặc bỏ thư vào hòm thư đặt trước sân đình, ban chiếu cầu lời nói thẳng để được nhận ý kiến của nhân dân, cho người đi đến các địa phương hỏi thăm nhân dân.
Nhà nước đặc biệt quan tâm đến dư luận. Quan lại bị mất lòng dân bị xem là không xứng chức, bởi “không có lửa làm sao có khói” - như dân gian nói.

Thứ tám, đề cao quan lại liêm khiết và những tấm gương đạo đức.
Vua Lý Nhân Tông, sắp băng hà để lại di chiếu nhắc nhở việc tang lễ phải cần kiệm. Vua Lê Thánh Tông lúc gặp cảnh dân tình khốn khó, đã triệt bỏ đồ nhạc, giảm bớt thức ăn.
Tấm gương đạo đức của Chu Văn An (thời Trần), đời sau tạc vào Văn Miếu, hậu sinh nghiêng mình ngưỡng phục. Nguyễn Trãi (thời Lê), vẫn rạng ngời như “sao Khuê lấp lánh” sáng soi hậu thế.
Trần Thời Kiến (thời Trần), nổi tiếng thanh liêm được vua ban cho cái hốt với bài minh ngợi ca, Vũ Tụ (thời Lê sơ) làm quan to không đổi nếp thanh bần, được vua ban cho thẻ bài “Liêm tiết”.
Các ông, bên trong quan trường nể sợ, bên ngoài nhân dân ngợi ca, danh thơm đến muôn đời. Kẻ chưa làm quan lấy đó làm gương để noi theo.
Dương Chấn làm quan thời Đông Hán (Trung Quốc), nổi tiếng là một vị quan thanh liêm, Vương Mật (bạn ông) mang biếu ông 10 cân vàng, ông từ chối không nhận. Vương Mật nói: “Đêm hôm khuya khoắt đâu có ai thấy mà sợ” Ông nói: “Có trời biết, thần biết, tôi biết, ông biết. Tại sao nói là không có ai biết?”.
Quan tham dù có dấu giếm cách mấy cũng chỉ che mắt được quan trên chứ không che mắt được mọi người.
Về lý thuyết quan thanh, quan tham khoảng cách rất xa nhau. Trong xã hội phong kiến ngày xưa, xét cho cùng quan thanh liêm cũng là cha, mẹ dân, “miệng nhà quan có gang có thép”, còn nhân dân trong tay không có quyền, “miệng nhà khó vừa nhọ vừa thâm”, cho nên phải cầu xin quan yêu dân như con. Quan thanh chẳng qua là những “ông trời” biết thương dân, còn nhân dân giỏi lắm cũng chỉ là “con đỏ”.
Trong xã hội mà nền pháp chế được kiện toàn, con người dựa vào pháp luật là một thứ vũ khí mạnh mẽ để bảo hộ mình, thì người làm quan khó lòng để thực hiện hành vi tham nhũng trót lọt.
Lật giở từng trang sử cũ, thế mới hay câu nói “ôn cố tri tân” của cổ nhân. Chuyện về tham nhũng và chống tham nhũng của người xưa nhưng vẫn nóng hổi tính thời sự trong cuộc đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng của đất nước ta ngày hôm nay.

H.Nguyễn

Aucun commentaire: