mardi 5 février 2008

Tâm, thế Việt luôn "động" và "mở"



(Xuân 2008) - Từ phương diện văn hoá, có thể thấy rằng toàn cầu hoá là quá trình đấu tranh dể xác lập những giá trị và chuẩn mực trên phạm vi toàn cầu. Đây cũng là quá trình đấu tranh để tự khẳng định các giá trị đặc thù của các nền văn hoá dân tộc.


Bản sắc dân tộc thể hiện ở tâm và thế của VN – bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc VN được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước.

Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân – gia đình – làng xã – tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng tình nghĩa, đạo lý, đức tính cần cù, hiếu học, thông minh, sáng tạo; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống, giàu tinh thần lạc quan yêu đời…

Bản sắc văn hoá dân tộc thể hiện tập trung ở truyền thống văn hoá. Truyền thống văn hoá là các giá trị do lịch sử để lại được thế hệ sau kế thừa và phát huy trong thời đại của họ để tạo nên dòng chảy liên tục của lịch sử văn hoá dân tộc.

Vì vậy truyền thống văn hoá được coi là bộ gien di truyền văn hoá của mỗi dân tộc. Khi được hình thành truyền thống mang tính bền vững có chức năng định hướng, đánh giá, điều chỉnh hành vi của cá nhân và cộng đồng.

Tuy nhiên truyền thống văn hoá không phải là sự "bất biến", "cố định" hoặc "khép kín" mà nó là khái niệm "động" và "mở". Nó luôn vận động và mang tính lịch sử cụ thể. Trong quá trình vận động và phát triển, nó luôn luôn đào thải những yếu tố bảo thủ, lạc hậu và tạo lập các yếu tố mới để thích nghi với đòi hỏi của thời đại.

Truyền thống cũng không phải chỉ bao hàm các giá trị do dân tộc sáng tạo nên mà còn bao hàm các giá trị từ bên ngoài được tiếp nhận một cách sáng tạo và đồng hoá nó, biến nó thành nguồn lực nội sinh của dân tộc.

Sự "co cụm", "khép kín" của nền văn hoá dân tộc đều dẫn đến sự suy thoái. Điều thách thức lớn lao đối với nền văn hoá của các dân tộc hiện nay là làm sao vừa có khả năng thích nghi được với sự biến đổi của thời đại, nhưng vẫn giữ được bản lĩnh và bản sắc của mình trong xu thế toàn cầu hoá.

Trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay, chúng ta chống áp đặt mô hình văn hoá và lối sống nước ngoài vào nước ta. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng chống xu hướng kỳ thị, chối bỏ văn hoá nước ngoài. Chúng ta chống tư tưởng "chủ nghĩa trung tâm Châu Âu", nhưng đồng thời chúng ta cũng chống tư tưởng "chủ nghĩa trung tâm Châu Á".

Xu thế toàn cầu hoá đem lại thời cơ để chúng ta có thể lựa chọn, chủ động tiếp nhận những giá trị tiến bộ của thời đại để làm giàu cho nền văn hoá dân tộc, đồng thời chúng ta cũng cần chống lại những tác động tiêu cực do xu thế toàn cầu hoá đưa lại.

Sự nghiệp đổi mới của đất nước ta được bắt đầu từ Đại hội VI (1986) đến nay đã tạo ra những bước phát triển mới. Đường lối mở cửa, đa phương hoá, đa dạng hoá các mối quan hệ quốc tế trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và lợi ích của các quốc gia đã tạo ra sự năng động cho tiến trình đổi mới.

Trong lĩnh vực văn hoá, sự tác động của xu thế toàn cầu hoá cũng đang tác động vào nước ta mạnh mẽ theo cả hai chiều thuận – nghịch khác nhau, đem đến cả mặt tích cực cũng như những mặt tiêu cực đối với nền văn hoá dân tộc.

Những mặt tích cực của nó thể hiện ở việc góp phần nâng cao trình độ tư duy khoa học của xã hội công nghiệp, thể hiện ở việc phổ biến các giá trị văn hoá cùng các hoạt động và loại hình văn hoá mới phục vụ cho việc nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Đồng thời, mặt trái của nó thể hiện ở việc truyền bá lối sống tiêu thụ và hưởng lạc, làm xuất hiện nhiều tệ nạn xã hội như nạn ma tuý, mại dâm, cờ bạc, bạo lực xã hội, thậm chí làm nảy sinh sự bất ổn định trong lĩnh vực tôn giáo và dân tộc.

Để bảo vệ, giữ gìn và phát huy tâm và thế Việt Nam trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay, chúng ta cần phải chú ý đến một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất, cần phải khẳng định, bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hoá dân tộc, đặc biệt là truyền thống yêu nước và đại đoàn kết dân tộc, tinh thần độc lập, tự cường, lòng tự hào dân tộc, thể hiện ở các giá trị văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể của các dân tộc anh em trong cộng đồng quốc gia VN.

Thứ hai, tăng cường hơn nữa việc giáo dục truyền thống lịch sử và truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc cho các thế hệ sau. Công tác giáo dục truyền thống phải được coi là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị – xã hội để tạo ra sự tiếp nối lịch sử, đoàn kết thống nhất ý chí của dân tộc để xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ mới.

Thứ ba, bảo vệ và phát triển nền văn hoá Việt Nam là bảo vệ sự thống nhất mà đa dạng văn hoá trong cộng đồng các dân tộc VN. Đây là tư tưởng chỉ đạo quan trọng để chúng ta phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc trong quá trình xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chống lại mọi mưu toan chia rẽ dân tộc, gây mất ổn định chính trị, làm suy yếu nội lực của đất nước.

Thứ tư, tăng cường mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế về văn hoá. Trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay, chủ động mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hoá là yêu cầu cấp thiết để vừa có thể giới thiệu những thành tựu văn hoá của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, vừa có thể tiếp nhận những thành tựu tiến bộ và tích cực của văn hoá thế giới, làm giàu cho nền văn hoá dân tộc.

Bảo vệ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc không có nghĩa là biến văn hoá dân tộc thành "bảo tàng", "cố định hoá", "khép kín" nó mà phải "năng động hoá", tạo cho nó một nguồn lực mới có khả năng thích nghi với sự biến đổi của thời đại để phát triển liên tục.

Quá trình giao lưu văn hoá quốc tế hiện nay cũng diễn ra hết sức phong phú và đa dạng bằng nhiều con đường khác nhau, hình thức khác nhau. Đặc biệt, sự phát triển của công nghệ thông tin đã làm biến đổi cách thức giao lưu văn hoá giữa các dân tộc khác nhau.Vì vậy, cần phải chú ý tới sự biến đổi của các hình thức giao lưu văn hoá trong xu thế toàn cầu hoá để có thể xử lý một cách khoa học các tình huống xảy ra, đảm bảo định hướng tư tưởng chính trị và giữ vững trật tự kỷ cương trong quản lý văn hóa.

Thứ năm, một trong những trọng tâm để bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc hiện nay là phải sáng tạo các giá trị văn hoá mới khẳng định tầm vóc, sức sống và truyền thống bất diệt của dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh.

Chúng ta cần khắc phục những khuynh hướng sai lầm, lệch lạc trong hoạt động văn hoá vừa qua, đặc biệt là xu hướng "thương mại hoá", tạo lập các giá trị văn hoá khẳng định các nhân tố mới, đấu tranh chống lại cái cũ, cái xấu và cái giả, khẳng định cái đúng, cái tốt và cái đẹp để cổ vũ tích cực cho sự nghiệp đổi mới. Đây cũng chính là đòi hỏi khách quan của sự phát triển đất nước hiện nay.



PGS-TS Phạm Duy Đức

Lao Động Xuân 2008 Cập nhật: 3:37 AM, 27/01/2008

Aucun commentaire: