mercredi 13 février 2008

Văn miếu ở Nam bộ


290 NĂM VĂN MIẾU TRẤN BIÊN

Văn miếu Trấn Biên hình thành sớm nhất ở Nam bộ vào năm 1715 (đời chúa Nguyễn Phúc Chu). Việc hình thành Văn miếu Trấn Biên đối với chúa Nguyễn có ý nghĩa khẳng định những giá trị văn hóa và chính trị ở vùng đất mới. Văn miếu Trấn Biên hồi bấy giờ ở thôn Tân Lại, tổng Phước Vinh (nay là phường Bửu Long, Biên Hòa).

Văn miếu thờ Khổng Tử - vị khai sáng của Nho giáo và Nho học - vì thế ngay từ buổi đầu Văn miếu Trấn Biên trước hết là nơi tôn vinh những giá trị của nền giáo dục Nho học. Giá trị mang tính biểu trưng về văn hóa của Văn miếu Trấn Biên không chỉ được tầng lớp quan lại và sĩ phu phong kiến tôn vinh. Nhân dân Biên Hòa cũng rất ngưỡng mộ và gọi bằng tên "Văn Thánh" chính vì thế năm 1861 khi chiếm được tỉnh Biên Hòa, một trong những việc đầu tiên thực dân Pháp đã làm là đốt phá Văn miếu Trấn Biên.
Nhân dịp kỷ niệm 300 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao cho TP Biên Hòa tái tạo lại Văn miếu Trấn Biên. TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đầu tư gần 20 tỉ đồng hoàn thiện và đưa vào sử dụng công trình văn hóa lịch sử Văn Miếu Trấn Biên. Đây là công trình được xây dựng theo kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Hà Nội, gồm các hạng mục: nhà thờ chính, tả vu hữu vu, sân hành lễ... thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, kính trọng hiền tài.
17 năm sau khi Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh Chúa Nguyễn Phúc Chu vào xác lập nền hành chính của vùng đất mới phương Nam, Văn miếu Trấn Biên được xây dựng (1715). Theo “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn, ngoài Thăng Long- Hà Nội (Văn miếu Quốc Tử Giám, 1070), văn miếu được xây dựng ở nhiều nơi trong cả nước, nhưng Văn miếu Trấn Biên là văn miếu được xây dựng sớm nhất ở phía Nam, trước Văn miếu Vĩnh Long, Gia Định và cả Văn miếu kinh đô Huế.
Theo “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức biên soạn vào đầu thế kỷ XIX (bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, xuất bản năm 1972), Văn miếu Trấn Biên được xây dựng tại thôn Tân Lại, huyện Phước Chánh (nay thuộc phường Bửu Long, TP. Biên Hòa) vào đời vua Hiển Tông năm Ất Vị thứ 25 (tức năm 1715). Văn miếu Trấn Biên đã qua hai lần trùng tu vào năm Giáp Dần (1794) và năm Tự Đức thứ 5 (1852). Theo mô tả của sử sách, Văn miếu Trấn Biên được xây dựng trên thế đất đẹp, “nơi đây núi sông thanh tú, cỏ cây tốt tươi... Bên trong rường cột chạm trổ, tinh xảo... Trong thành trăm hoa tươi tốt, có những cây tòng, cam quýt, bưởi, hoa sứ, mít, xoài, chuối và quả hồng xiêm đầy rẫy, sum sê, quả sai lại lớn”.
Văn miếu Trấn Biên được xây dựng trong bối cảnh vùng đất Biên Hòa- Đồng Nai đã khá ổn định về chính trị, phát triển kinh tế- xã hội như một sự xác lập vị thế địa văn hóa- chính trị của vùng đất; đồng thời là sự tiếp nối Văn miếu Thăng Long và truyền thống trọng học, trọng trí thức nhân tài của tổ tiên trải qua nhiều thế kỷ xây dựng quốc gia độc lập tự chủ. Gắn liền với Văn miếu Trấn Biên là một nền giáo dục phát triển khá sớm ở Biên Hòa- Đồng Nai lúc bấy giờ. Và trên nền giáo dục ấy cũng đã sản sinh ra những tên tuổi làm rạng rỡ vùng đất phương Nam, đồng thời tô điểm thêm truyền thống văn hóa ngàn năm của dân tộc ta như: Võ Trường Toản, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định, Nguyễn Đình Chiểu...
Do thời gian và những biến cố lịch sử, Văn miếu Trấn Biên bị tàn phá không còn lại dấu vết (theo “Biên Hòa sử lược” của nhà nghiên cứu Lương Văn Lựu, năm 1861 khi tiến chiếm Biên Hòa, quân Pháp đã đốt phá Văn miếu Trấn Biên), người đời nay chỉ hình dung Văn miếu Trấn Biên xưa qua sử sách. Nằm trong kế hoạch xây dựng các thiết chế văn hóa ở Đồng Nai, nhân kỷ niệm 300 năm Biên Hòa- Đồng Nai, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng lại Văn miếu Trấn Biên. Lễ khởi công diễn ra vào ngày 09.12.1998 và khánh thành công trình giai đoạn 1 vào ngày mùng 3 Tết Nhâm Ngọ 2002 (nhằm ngày 14.2.2002).
Trong dịp kỷ niệm 290 năm Văn miếu Trấn Biên, các công trình giai đoạn 2 tiếp tục được xây dựng và mở rộng thêm diện tích.
Văn miếu Trấn Biên là nơi bảo tồn, gìn giữ và tôn vinh các giá trị văn hóa giáo dục xưa và nay của dân tộc và của địa phương; đồng thời là một thiết chế văn hóa, du lịch gắn với khu danh thắng Bửu Long đã được công nhận là di tích quốc gia. Do vậy, ngoài việc thờ phụng các danh nhân văn hóa- giáo dục xưa và nay, Văn miếu Trấn Biên còn là nơi tổ chức lễ báo công, tuyên dương tài năng trên các lĩnh vực.


B.T

Aucun commentaire: