lundi 25 février 2008

Đổ xô đi săn "cậu tý”

TT - Giá các loại cá, thịt... đều leo thang trong thời tăng giá khiến thịt chuột đồng rẻ hơn được tiêu thụ mạnh. Vì thế mới đầu năm con chuột, người dân nghèo ở đồng bằng đã đổ ra đồng đi săn "cậu tý”.

Thịt chuột ngon lại rẻ, trở thành món ăn ưa chuộng
khi mà giá thịt, cá leo thang Ảnh: ĐỨC VỊNH


Tại An Giang, trên những ruộng lúa vừa gặt xong ở vùng đầu nguồn, ở đâu cũng gặp nhiều tốp người đeo lỉnh kỉnh những chùm rập chuột to đùng. Giữa trưa, họ men theo các bờ ruộng lúi húi đặt từng chiếc rập. Đêm mịt mờ sương lạnh, chốn đồng không mông quạnh loang loáng ánh đèn soi leo lét. Tới nửa khuya ai nấy trở về với chùm chuột đồng lủng lẳng. Và mờ sáng họ tỏa đi gom rập, lại trở về với đống rập đầy chuột. "Miệt trên này đang vào kỳ thu hoạch lúa, chuột bắt đầu có nhiều, nhiều lắm" - anh Nguyễn Văn Tươi (ở Vĩnh Hội Đông, An Phú) nói.

Đi bắt chuột tới "mút mùa"…


Trên các cánh đồng dọc kênh Vĩnh Tế từ Tịnh Biên tới Kiên Lương (Kiên Giang) đều thấy bóng dáng dân đi săn chuột. Ngoài dân địa phương còn có khá đông người từ nơi khác đến. Mỗi người mang 500-1.000 cái rập, đặt khắp các cánh đồng ven biên giới và qua tận đất Campuchia. Chỉ cánh đồng phía Kirivong (Takeo) mơn mởn lúa chét, ông Nguyễn Văn Na - Vĩnh Phú, Kiên Lương - bảo: "Bên ấy chuột nhiều lắm. Khi đốt đồng nó tràn về bên mình từng đoàn, lắm khi làm rạp cả vạt ruộng".
Hàng trăm người dân hai bên bờ kênh Phù Dật (Châu Phú, An Giang) đổ lên đây đánh bắt từ tháng chạp. Cuối năm bà con quay về nhà vui xuân ba bữa rồi lại hăm hở lên đường, trong đó có cả phụ nữ, trẻ em. Họ đem theo gạo, vài vật dụng cần thiết và dựng lều nilông tạm che sương, che nắng bên đoạn kênh heo hút.
Tranh thủ thời gian nghỉ học kéo dài tới ngày 12 âm lịch, cậu học trò Nguyễn Văn Tòng theo cha mẹ đi đánh bắt chuột từ mồng ba tết. "Mỗi ngày bắt được dăm ba ký, kiếm 50.000-60.000 đồng" - cậu khoe. Chị Lê Thị Hòa, mẹ Tòng, cho biết mọi năm gia đình chị đều lên đánh bắt ở miệt trên này đến chừng nào hết chuột mới trở về đồng nhà cắt mướn. "Mỗi gia đình mỗi tháng kiếm được cả chục triệu đồng. Khỏe và thu nhập cao hơn làm công cắt gom lúa. Chuột năm nay nhiều, chắc đi bắt tới... mút mùa lúa!" - mấy người trong nhóm của chị vui vẻ nói.

Xóm thịt chuột sôi động


Từ lâu, ở ĐBSCL hình thành nhiều xóm chuyên kiếm sống bằng việc đánh bắt, mua bán thịt chuột mà người dân quen gọi là... xóm chuột. Mới đầu năm, mấy xóm thịt chuột ở Vĩnh Tế, Vĩnh Hội Đông, Ba Chúc (An Giang) đã sớm vào nghề.
Hằng ngày chuột đồng được gom về đấy lột da, xả thịt sau đó đem ra các chợ lân cận bán lẻ hoặc bỏ mối cho bạn hàng. "Cá, thịt heo, gà, vịt… đều tăng giá. Thịt chuột vốn chế biến được khá nhiều món khoái khẩu mà giá chỉ ngoài 30.000 đồng/kg nên bán chạy lắm, bao nhiêu cũng hết sớm" - bà con cho biết.
Nơi chốn đồng xa có đông người đến đánh bắt, thương lái thường đặt điểm thu mua tập trung, đưa phương tiện lên tận nơi vận chuyển chuột về cho cả xóm "gia công". Mỗi chiều, xóm thịt chuột bên kênh Phù Dật lại sôi động hẳn lên. Xe chở chuột liên tục đổ về.
Đó đây, từng nhóm người tụm bảy tụm ba quanh chồng cũi đựng những chú chuột cơm mập ú bị nắm đuôi lôi ra đem lột da, xả thịt… Những "cậu tý” thành phẩm trắng hồng lần lượt xếp vô túi nilông, vô thau nhựa ngay ngắn. Cứ một lớp chuột được phủ lên một lớp nước đá. "Hằng đêm phải đưa xuống Long Xuyên để khuya bạn hàng từ Chợ Mới, Lấp Vò, Cao Lãnh, Cần Thơ... qua lấy về bỏ mối ở các chợ nên cần giữ cho tươi" - Kim Hồng, một mối buôn thịt chuột, giải thích. Cô cũng cho biết do thịt chuột rẻ hơn các loại thịt cá khác nên lúc này tiêu thụ khá mạnh.
Xóm thịt chuột bên kênh Phù Dật hình thành cả tám năm nay với hơn 300 hộ chuyên đi đánh bắt, "gia công" làm thịt chuột. Ngoài ra còn có những thương lái đi thu mua chuột sống khắp nơi về cung cấp và chuyên bỏ mối thịt chuột cho bạn hàng đưa đi tiêu thụ ở các chợ lớn nhỏ quanh vùng. Lúc cao điểm cả xóm tiếp nhận xả thịt khoảng 6 tấn chuột mỗi ngày. Theo bà con nông dân, mùa nước rồi lũ nhỏ, về muộn và do nhiều cánh đồng lên đê bao ngăn lũ nên chuột nhiều hơn mọi năm.





Đặc sản chuột cống nhum



Gần đây cùng với chuột đồng thì chuột cống nhum được nhiều quán ăn, nhà hàng sử dụng chế biến thành những món ăn, món nhậu "độc chiêu", khoái khẩu. "Cánh bạn hàng thường thu mua số lượng nhiều đưa ra các thành phố" - Khánh, một "tay săn" chuột, cho biết. Chuột cống nhum còn sống có giá 22.000-25.000 đồng/kg nên dần hình thành nhiều nhóm thanh thiếu niên chuyên săn bắt chúng.





Nhiều trẻ em nghỉ học sớm hằng ngày đi bắt chuột
tại Vĩnh Điều, Kiên Lương (Kiên Giang)
Ảnh: ĐỨC VỊNH


Thấy dễ kiếm tiền, nhiều học sinh cũng bỏ bê việc học hoặc nghỉ học hẳn hằng ngày đi đánh bắt, "gia công" làm thịt chuột. Trên cánh đồng Vĩnh Điều (Kiên Lương, Kiên Giang) chúng tôi gặp khá nhiều em nhỏ sớm tối lẽo đẽo theo cha mẹ với chùm rập chuột đeo đầy người. Tất cả đều đã bỏ học! Chỉ tính riêng bậc THCS, xóm chuột bên kênh Phù Dật đã có gần 30 em bỏ học - lãnh đạo xã Bình Long (Châu Phú) cho biết.




ĐỨC VỊNH
Chủ Nhật, 17/02/2008


Aucun commentaire: