vendredi 7 mars 2008

Chuyện “Z30” 25 năm trước - Bài 3: “Hải Phòng có cách làm khác...”

Nhắc đến “Z30” không thể không nhắc đến người số một kiên quyết phản đối “chỉ thị mật” này. Đó là ông Đoàn Duy Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng thời kỳ đó.

Chúng tôi tìm gặp ông Thành để tìm hiểu sâu thêm về nguồn gốc của việc không thực hiện “Z30”.

“Tôi vẫn cổ vũ xây nhà to”
Ông Đoàn Duy Thành nhớ lại: Lúc đó đang giữa thời kỳ xây dựng đất nước, Hải Phòng là công trường sôi động nhất của cả nước. Sau khi trung ương cho Hải Phòng thực hiện “khoán sản phẩm trong nông nghiệp” vào cuối năm 1980, Hải Phòng tiếp tục quai đê lấn biển, phát triển giao thông, mở mang đô thị... Như được “cởi trói”, nhân dân rất hồ hởi, say sưa lao động với mục tiêu xây dựng thành phố cảng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong ước của Bác thời chưa kết thúc chiến tranh.
Cần phải nhắc lại rằng thời điểm Hải Phòng đang là đại công trường cũng chính là thời điểm “đêm trước của đổi mới”. Vì vậy, phần lớn những cung cách làm ăn mới đều phải “vượt rào”. Để thực hiện ý đồ “mở cửa” thành phố cảng, ông Đoàn Duy Thành đã phải ra sức thuyết phục để tạo sự đồng thuận nơi các đồng chí trong Thường vụ Thành ủy. Sau đó công việc khó khăn hơn rất nhiều: thuyết phục lãnh đạo Đảng, nhà nước cho Hải Phòng làm trước. Đoàn Duy Thành nhiều lần gặp Tổng Bí thư Lê Duẩn, Chủ tịch Trường Chinh, các phó thủ tướng Lê Thanh Nghị, Phạm Hùng... trình bày cặn kẽ rồi dùng tình cảm để thuyết phục.
Tháng 3-1982, ông Thành ngồi vào ghế Bí thư Thành ủy Hải Phòng. “Tôi nghĩ rằng lúc đó Hải Phòng “đổi mới”, “mở cửa” là rất thuận vì không đồng chí lãnh đạo nào phản đối, tuy mức độ ủng hộ của từng người là khác nhau. Nhưng không ngờ, đùng một cái có chỉ thị “Z30”” - ông Thành trầm tư.
Lúc Thường vụ Thành ủy Hải Phòng họp bàn về “Z30” thì Hà Nội đang triển khai.
Thấy Hải Phòng không có động tĩnh gì, lãnh đạo Bộ Nội vụ triệu tập ông Dương Khắc Thụ - Giám đốc Công an Hải Phòng đến để phê bình. Trước khi ông Thụ lên Hà Nội, ông Thành dặn là người ta hỏi thì cứ trả lời “Hải Phòng có cách làm khác”. Nếu người ta hỏi cách làm khác là cách nào thì bảo “Cứ hỏi Bí thư chúng tôi”. Ông Thành cũng không cho phép ông Thụ lập danh sách những nhà trong diện tịch thu, vì nghĩ rằng nếu lên danh sách rồi có đốt danh sách này như Hà Nam Ninh thì cũng vẫn gây xáo trộn tâm lý xã hội.
“Nếu lập danh sách thì lúc đó Hải Phòng sẽ có bao nhiêu nhà bị tịch thu?” - chúng tôi hỏi. Ông Thành trả lời: “Chắc cũng cỡ năm trăm nhà. Tôi nhớ lúc đó có mấy anh thủy thủ xây nhà to hai, ba tầng đều thuộc diện phải tịch thu cả. Một số anh trong số đó rất sợ. Hôm tôi đến dự tổng kết ở Công ty VOSCO, khi nói chuyện, anh em lo lắng hỏi tôi Hải Phòng có tịch thu tài sản như ở Hà Nội không. Tôi trả lời là Hải Phòng sẽ không làm và tôi sẽ nói rõ chuyện này ở hội nghị Trung ương. Tôi còn khuyên anh em là tiết kiệm được tiền cần xây nhà cao và đẹp hơn nữa. Anh em thủy thủ vui lắm”.
Đầu còn là còn... đương đầu!
- Tại sao ông lại quyết liệt với “Z30” như vậy?
- Chúng tôi vào sinh ra tử để giành độc lập dân tộc, để sau khi có độc lập và thống nhất rồi thì tìm cách phát triển kinh tế, đem lại cơm no áo ấm cho nhân dân. Vậy mà giữa lúc nhân dân đang hăng hái xây đắp cơ đồ của thành phố, đang cố gắng vượt qua thời kỳ rất khó khăn của kinh tế đất nước thì cớ sao lại thực hiện cái chỉ thị vô lý như vậy? Nếu tôi không quyết liệt thì lấy cớ lúc đó Hà Nội đã làm, ở hội nghị Trung ương người ta hoàn toàn có thể biến “chỉ thị mật” kia thành một nghị quyết của Trung ương. Nếu chuyện đó xảy ra thì là đại họa.
Nghe nói không khí thủ đô vô cùng ngột ngạt. Ông Thành bí mật lên tận nơi để xem xét, nghe ngóng. Ông đến xem ba nhà đang bị tịch thu, tận mắt chứng kiến cảnh khóc than, ai oán của người dân. Ông Thành lo lắng đến mất ăn mất ngủ...
Hồi đó nghe cấp dưới trình bày, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành cũng phân vân nhưng là phân vân thế thôi chứ không ông nào dám lên gặp lãnh đạo trung ương hỏi cho ra nhẽ. Thế nên cứ tỉnh này gọi điện thoại dò hỏi tỉnh kia. Ông Thành nhớ là vào tháng 3, tháng 4 gì đó, ông nhận được cuộc điện thoại từ TP.HCM của ông Bảy Dự (Nguyễn Võ Danh) - Phó Bí thư Thành ủy hỏi là “Hải Phòng có làm không?”. Sau đó thì ông Mười Cúc (nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, lúc đó là Bí thư Thành ủy TP.HCM) cũng không cho TP.HCM làm, đợi đến hội nghị Trung ương để hỏi cho ra nhẽ.
Trong cuộc “hội kín” với ông Nguyễn Văn An - Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Ninh (chúng tôi đã thuật lại qua lời kể của ông An ở bài trước - NV), hai ông Thành và An đã nói rất găng về “Z30”. “Lúc đó, tôi phân tích rất kỹ rồi nói với anh An rằng: “Tôi biết chú ra đây hỏi chuyện tôi là chú cũng có ý định không thực hiện nên anh em mình phải quyết tâm, cho dù có mất chức bí thư, mất vị trí ủy viên Trung ương thì tôi cũng không thực hiện “Z30”. Đến tháng 6 họp hội nghị Trung ương, tôi sẽ phát biểu về vấn đề này”” - ông nhớ lại.
Ông kể tiếp: “Bữa đó về đến nhà đã đúng nửa đêm. Tôi trằn trọc không ngủ được, đem chuyện kể hết với nhà tôi. Nhà tôi nói: “Anh định đương đầu đến bao giờ?”. Tôi trả lời: “Tôi sẽ đương đầu đến khi còn cái đầu này”. Hai vợ chồng tâm sự, đến lúc mệt quá ngủ lúc nào không biết”.
Trước hội nghị Trung ương, báo Đảng đăng sáu bài phê phán các tỉnh không thực hiện “Z30” thì một bài phê phán Bắc Giang, năm bài còn lại phê Hải Phòng. Ông Thành gặp tổng biên tập nói thẳng là báo có đăng một trăm bài thì cứ đăng nhưng không có chỉ thị thì Hải Phòng vẫn không thực hiện.

photo: ông Đoàn Duy Thành


Xe đạp - phương tiện di chuyển phổ biến nhất ở đô thị thời bao cấp. (Ảnh tư liệu)






Câu chuyện “Z30” sẽ được tiếp tục phân tích bởi ông Đoàn Duy Thành. Chúng ta đã thật sự may mắn khi “Z30” đã được chấm dứt kịp thời, tránh những tổn thất đáng tiếc.
Ông nhíu mày nhớ lại: “Khoảng tháng 3-1983, ông Thụ - Giám đốc Công an TP đến báo cáo với tôi: Trung ương có chỉ thị tối mật “Z30”, ra lệnh tịch thu tài sản của tất cả các gia đình có nhà từ hai tầng trở lên, bất kể to nhỏ, trị giá bao nhiêu. Hà Nội làm trước, Hải Phòng theo Hà Nội mà làm. Tôi hỏi anh Thụ là chỉ thị này ai ký? Nội dung cụ thể thế nào? Anh ấy trả lời là không có chỉ thị bằng văn bản nhưng Hà Nội đang làm rồi”.
Quái lạ! Sao một chuyện động trời thế mà lại không có văn bản chỉ thị rõ ràng? Nay là thời kỳ hòa bình xây dựng đất nước rồi mà sao lại vẫn còn kiểu chỉ thị kỳ cục như vậy? Trăn trở với hàng loạt câu hỏi, ngày hôm sau Bí thư Đoàn Duy Thành triệu tập cuộc họp khẩn của Ban Thường vụ Thành ủy. Ông Thành đề nghị mọi người suy tính cho kỹ vì đây là vấn đề liên quan đến cả đạo lý và pháp luật, người dân không phạm pháp thì cớ sao lại tùy tiện tịch thu nhà của họ. Rồi ông Thành kết luận là Hải Phòng không làm khi chưa nhận được chỉ thị, mà chỉ thị phải nói rõ nguồn cơn, mục đích, yêu cầu thì mới làm.

Aucun commentaire: