dimanche 13 avril 2008

Tìm vào ngôi làng bí ẩn đã mất giữa rừng


MINH SƠN - TẤN VŨ
PLTPHCM, 12/4/2008

Một vài ngôi nhà xây bằng vôi chỉ còn lại nền, mấy bức tường phủ kín dây bìm bìm voi, vài cây chanh, cây khế lẫn trong cây cổ thụ...

Đó một ngôi làng bí ẩn và tồn tại cô lập giữa rừng già ở huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam đã tự nhiên biến mất cách đây gần cả thế kỷ.

Những người nông dân vào trở lại làng Tân Định để khai hoang.


Huyền thoại về người “trấn” cọp dữ!

Năm 1980, một vài người đi rừng ở làng Trung Hạ và Trung Nam (huyện Quế Sơn) phát hiện ra ngôi làng đó. Làng nằm tít sâu, biệt lập trong một thung lũng giữa khu rừng già của dãy Hòn Róng ở Quảng Nam. Người ta tình cờ phát hiện ra làng Tân Định trong một lần lạc rừng. Trên rừng, bưởi, cam, quýt... lâu năm không có người chăm sóc vẫn ra trái sum suê. Dưới ruộng, cỏ mọc cao ngút đầu người. Tôm cá móng như cơm sôi. Không thể tin được một thế giới có dấu vết con người đã từng tồn tại giữa chốn rừng xanh thâm u, huyền bí. Ông Phạm Dương (nay đã 86 tuổi) ở huyện Nông Sơn nhớ lại rằng ông đã cùng một nhóm người nữa quyết định mở đường xuyên rừng vào đó canh tác. Đất đai phì nhiêu, nguồn nước dồi dào đã cho họ những vụ mùa bội thu. Khó khăn duy nhất là thú rừng phá hoại hoa màu quá nhiều. Người vào nơi đây làm nương rẫy thưa dần hơn hai chục năm. Gần đây người ta mới bắt đầu trở lại khu rừng này. Sự phát hiện tình cờ của nhóm người đi rừng ở làng Trung Hạ đã vén lên bức màn bí mật về ngôi làng Tân Định mà lớp người như ông Phạm Dương chỉ nghe cha ông kể lại.
Vào khoảng cuối thế kỷ 19, một người tên là Xã Ngại ở tổng Trung Lộc, nay là xã Sơn Viên, huyện Nông Sơn đã tìm ra thung lũng này và dẫn cả dòng họ của mình vào đấy định cư, đặt tên làng là Tân Định. Chỗ ở mới hết sức thuận lợi cho nghề nông nhưng có họa thú rừng, nhất là cọp. Cách Tân Định một con suối có một hố nước nhỏ, dân trong vùng đặt tên là Hố Cưa. Cưa, tiếng địa phương có nghĩa là tiếng gầm của cọp. Hố Cưa xưa chính là lãnh địa của cọp dữ. Ông Xã Ngại là người tu hành tại gia, lập một ngôi chùa nhỏ ở đấy. Người dân trong làng đó sống biệt lập, theo kiểu tự cung tự cấp. Lâu lâu làng mới cử người đi ra khỏi rừng cõng muối về cho cả làng. Người ta truyền miệng ông Xã Ngại là người tu hành đắc đạo tới mức “trấn” được cọp dữ. Đêm đêm cọp kéo ra làng ngồi rình mồi ngoài bờ phên. Kỳ lạ thay, dân làng không hề có ai bị cọp ăn thịt. Trâu, bò, heo, chó ở làng Tân Định chỉ khoảng nửa chiều đã tự về chuồng hoặc chui vào nhà.


Hòn đá nặng hàng trăm tấn, hình dáng y hệt chiếc ghe,
nhiều khả năng do bàn tay con người chế tác.


Câu chuyện về biệt tài “trấn” cọp của ông Xã Ngại vang xa. Người ta kể, ban ngày cọp xuống làng, chỉ cần ông ra nhìn vào mắt một cái, cọp lập tức cúp đuôi ngoan ngoãn bỏ đi. Ban đêm cọp ra rình mồi, ông xuỵt một tiếng nhỏ, cọp cũng chạy mất. Cho đến bây giờ, những người già nhất trong vùng cũng không biết ông Xã Ngại là ai, từ đâu tới. Họ cũng không hiểu vì sao ông đưa cả dòng họ của mình vào giữa rừng sâu sinh sống, lập nên làng Tân Định trù phú. Họ chỉ nghe kể về ông và ngôi làng kỳ lạ này như một huyền thoại. Cũng không biết từ bao giờ và lý do gì, toàn bộ người dân đã bỏ làng ra đi không trở lại. Ông Phạm Dương nghe kể là họ ra đi từ những năm đầu của thế kỷ 20, đi đâu cũng không ai biết!


Dấu tích ngôi làng bí ẩn

Chắp nối từ những câu chuyện kể, chúng tôi đã làm một cuộc hành trình tìm đến ngôi làng kỳ lạ đã biến mất trên thực tế. Người dẫn đường là anh Hai Gõ ở làng Trung Hạ. Theo lối mòn nhỏ của những người đốt than, chúng tôi trèo lên một ngọn núi khá cao. Từ đó đường đi giữa rừng khá bằng phẳng, ít cây cổ thụ, chỉ toàn lau lách. Đường đi đổ về một con suối. Lội qua suối, trước mắt chúng tôi hiện ra một thung lũng chừng hơn 30 ha. Trên núi lác đác vài ba nương rẫy của người dân mới vào đây trồng khoai, sắn. Dưới ruộng, cây cỏ mọc cao gần đầu người. Chim quốc, bìm bịp, bồ chao nghe động vụt bay, kêu inh ỏi khắp rừng. Những dấu tích xưa còn lại là vài ba cây bưởi đã bị người dân làm rẫy đốn gốc đang mọc chồi, mấy bức tường nấp sau những lùm dây leo rậm rạp chỉ còn lại vài ba viên gạch chen lẫn vôi...



Tảng đá tiên dưới chân Hòn Tàu chi chít những dấu “chân tiên”.


Giữa hoang phế của một ngôi làng cũ như vậy, bất cứ người nào chứng kiến cũng phải xao động. Điều gì đã khai sinh ra ngôi làng? Biến cố nào đã làm nó biến mất đi một cách bí ẩn như vậy? Người già kể lại, cả dòng họ ông Xã Ngại có chừng 20 nóc nhà trong làng Tân Định. Có thể thời gian đó ông Xã Ngại đã tìm ra được thung lũng Tân Định phì nhiêu, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế của dòng họ nên ông chuyển làng. Nhưng chúng tôi nghiêng về giả thuyết ông Xã Ngại ngày xưa tham gia phong trào Cần Vương của Nguyễn Duy Hiệu. Cuối thế kỷ 19, Nghĩa hội tan rã, ông phải dẫn cả dòng họ mình chạy vào rừng sâu lẩn trốn. Nơi đây có thung lũng với núi non hiểm trở bao quanh. Tuy nhiên, từ thung lũng này, chỉ cần cắt rừng chừng năm tiếng đồng hồ sẽ đến được một thung lũng khác, nay thuộc xã Sơn Viên, huyện Nông Sơn. Sơn Viên chính là đại bản doanh của căn cứ Tân Tỉnh do Nguyễn Duy Hiệu lập nên để chống Pháp. Trước khi ra đầu thú quân Pháp, Nguyễn Duy Hiệu đã giải tán Nghĩa hội, khuyên nhủ các binh lính và chức sắc trong nghĩa quân trở về làm ruộng, làm rẫy bình thường, tránh họa trả thù như các cuộc khởi nghĩa khác (?).



Một đầu chiếc ghe được kê lên một tảng đá nhỏ.



Chúng tôi tìm lên rẫy của anh Nguyễn Hai trên một sườn núi, gần mấy nền nhà cũ. Anh Hai cho biết: “Khi cuốc đất, tôi thường gặp nhiều mảnh sành sứ rất cũ đã bể nát. Nhiều nhất là vỏ ốc. Những đống vỏ ốc chất cao cỡ nóc nhà, chắc là dùng để nung vôi”. Điều kỳ lạ nhất trong ngôi làng bí ẩn giữa rừng này là hòn Đá Ghe. Anh Nguyễn Hai và người dẫn đường chúng tôi phải mất hơn hai tiếng đồng hồ lội ngược suối, phát cây rừng và dây leo mới tìm ra được hòn Đá Ghe. Tảng đá ước nặng vài trăm tấn với chiều dài hơn 20 m, hình dáng y hệt một chiếc ghe bầu ở xứ này. Kỳ lạ nhất, đó không phải là một hòn đá tự nhiên có hình dáng giống chiếc ghe. Trong lòng chiếc ghe đó cũng rỗng y như một chiếc ghe thật, chia làm sáu khoang. Dường như có bàn tay con người tạo nên. Anh Hai Gõ, người dẫn đường cũng là một trong những người đầu tiên đặt chân khai hoang Tân Định cách đây hai chục năm, kể rằng mọi người thường rúc vào lòng chiếc ghe bầu kỳ lạ này núp mưa. Hồi đó còn có cả gương, lược, chén và bi đông uống nước của bộ đội để lại.
Dân gian nơi đây tương truyền, hòn Đá Ghe là phương tiện của vị tiên ông trên đỉnh Hòn Róng đi dọc theo con suối này đổ ra khe Le, hội ngộ với các vị tiên khác trên đỉnh Hòn Bà và Hòn Tàu. Dưới chân Hòn Tàu hiện nay vẫn còn một tảng đá chi chít vết “chân tiên”!




Aucun commentaire: