dimanche 29 juin 2008

Bóng nón giữa chập chùng xanh

Chủ Nhật, 22/06/2008, 08:53 (GMT+7)

TT - Tự thân những đồi trà chập chùng ngút ngàn xanh ở xứ BLao đã là một bức tranh trác tuyệt. Nhưng trong ngóc ngách của "miền nhan sắc thiên nhiên" ấy là cả một thế giới mưu sinh lầm lũi...


Bóng nón trên những đồn điền trà của người Đài Loan
- Ảnh: Nguyễn Hàng Tình
Những đồng trà lộng lẫy, tươi tốt và giá trị cao nhất là những vùng trà mà người Đài Loan là chủ sở hữu với chủng loại trà ô long, kim tuyên, túy ngọc... khác trà shan, trà sẻ lâu đời ở ta. Làn sóng người Đài Loan đổ sang xứ BLao (Lâm Đồng, Việt Nam) trồng trà được đánh dấu rõ đậm suốt 15 năm qua. Họ bỏ tiền đầu tư. Đã có đến vài ngàn hecta như thế trải dọc từ thị xã Bảo Lộc nối qua huyện Bảo Lâm, vắt lên cao nguyên Di Linh… với không dưới 20 công ty.
Bóng nón sâu ngun ngút

Và từ đó, những "làng Đài Loan" hình thành ngay trên xứ trà danh tiếng của VN cùng đồng trà mênh mông của họ. Hầu hết đồn điền trà của người Đài Loan ra đời bằng việc mua gom đất của nông dân. Có doanh nghiệp cả trăm hecta.
Hằng ngày, kể từ 6g sáng trở đi, đã thấy lớp lớp phụ nữ nông dân tiến ra những đồng trà của người Đài Loan. Trên đồng trà xanh bao la tràn ngập những chiếc nón lá trắng nhấp nhô. Cả xứ BLao này, hằng ngày khắp núi đồi đây đó không biết bao nhiêu phụ nữ nương bám theo đồn điền trà của người Đài Loan. 2.000 đồng là giá người Đài Loan trả cho các chị, các cô trên mỗi ký búp trà hái được. Trong khi đó, dăm ba vườn trà lớn của số ít người Việt trả công người hái 2.500 đồng/kg. Đơn giản vì trả giá 2.000 đồng/kg thì bất cứ má, chị nào cũng được đi hái hằng ngày, thay vì trả giá khá hơn lại chỉ được đôi ngày là sạch... việc.
Mỗi ngày, một người lặt được 10-25kg như thế, tùy vào sức khỏe cùng độ nhanh nhẹn ở từng người. Công hái trà được trả ngay trên đồng trà, cứ 1-2 tuần là một lần tổng trả. Khi tới đợt hái trà, sẽ có người phóng xe vào làng loan: "Mai hái trà! Ở đồi A, đồi B...". Trong đêm, họ truyền cho nhau thông điệp ấy sang từng nóc nhà. Chỉ vậy, sáng mai đã thấy bóng nón rồng rắn trên đồi. Thường những làn sóng nón trắng di động ấy xuất hiện đến 14-15g chiều của ngày.
Buổi trưa, họ móc ra những gói cơm mang theo. Ăn vội, ăn nhanh để tiếp tục đôi bàn tay thoăn thoắt, cho chiếc gùi trên vai được nặng thêm. Những năm trước khi lạm phát chưa diễn ra, có chủ đồng trà (doanh nghiệp) còn "hào phóng" cho ăn giữa buổi một ổ bánh mì, nay gặp thời thực phẩm leo thang, họ "quên" luôn ổ bánh mì ấy.
Hỏi bất cứ người nào đã từng uống giọt trà ô long tinh chế nào chưa, các cô, các chị, các bà đều lắc đầu "chưa biết mùi của nó!", dù có người đã hái như thế suốt 13 năm rồi, tức kể từ khi những người Đài Loan xuất hiện, và trà họ mang theo trồng được sau hai năm. Bổn phận của họ là hái trà, hái cho đúng một tôm hai lá (ngọn trà có đủ tiêu chuẩn hai lá và một chóp đọt).

"Quên" vườn trà của mình
Tôi hỏi chị Ka Trâm, 28 tuổi, ở thôn 3, xã Lộc Tân, Bảo Lâm, sao không ở nhà lo chăm sóc vườn trà của mình, chị rằng: "Mỗi ngày kiếm 30.000-40.000 đồng, chắc hơn, vì trà của nhà ít ra đọt ". Rất nhiều gia đình có bao nhiêu người phụ nữ là bấy nhiêu người kéo đi hái trà thuê. Học sinh nữ nghỉ hè cũng chọn những đồi trà của người Đài Loan. Ở vùng này, con gái 13-15 tuổi đã vào nghề hái trà thuê như vậy.
Bà Ka Sẹo ở thôn 2, xã Lộc Tân bảo bà cùng ba con gái đều đi hái trà cho các công ty Đài Loan. Buổi chiều sau khi đi hái trà thuê về, bà tranh thủ cầm rựa chặt bỏ vườn trà bao la sự... thưa thớt của mình, chưa biết rồi sẽ trồng bắp, đậu, cà phê, hay cứ để mặc đất trống. Hỏi sao chặt, bà chỉ vào sự còi cọc của cả một sườn đồi với những bụi trà chừng 7-8 năm tuổi lưa thưa. Bà nói rằng đã bỏ bê như thế nhiều năm nay. Có đọt nào lên thì mót bán kiếm ít đồng, còn đầu tư cho nó ra đọt thì không muốn.
Đồng trà của những người Đài Loan cứ 30-45 ngày hái một lần, còn trà của nhà bà một năm hái đôi ba đợt; mùa nắng (sáu tháng) coi như ngưng hẳn, còn mùa mưa thu được chút ít thì chất lượng đọt trà cũng chỉ đủ để người ta chế biến trà đen hay trà bường. "Mỗi lần bón phân cho 5 sào trà này phải mất đến vài triệu đồng, nhưng liệu có chắc thu được nhiều đọt không mà đổ tiền vào... gốc trà!?", bà nói. Bà cho rằng số tiền bơm vào vườn trà không hiệu quả hơn khi dành cho con đi học, và chắc nhất vẫn là dùng mua gạo mắm nuôi gia đình hằng ngày.
Trong một quán cóc, ông Nguyễn Chính Lan - ở thôn 4, xã Lộc Tân - kể nhiều doanh nghiệp Đài Loan vẫn tiếp tục gom mua đất để mở rộng đồn điền. Ông khoe gia đình mình từng có hơn 2ha, "gọt" bán dần cho người Đài Loan, đến nay còn 2 sào. Ka Mai, 30 tuổi, dừng tay hái trà, đưa lên lướt một vòng rộng khắp những dải núi đồi trà bao quanh xứ sở: "Nhìn vườn trà của mình rồi nhìn lại vườn trà của người Đài Loan mới... mắc cỡ cho chuyện trồng trọt của gia đình mình, nó cách biệt quá, như nhà lầu so với... nhà tranh!".
Không nước tưới, tài chính thiếu, kỹ thuật yếu, tham vọng không có... khiến dân xứ trà đi làm thuê ngay trên xứ trà. Cứ thế tạm bợ kiếm sống, tồn tại qua ngày, thay vì hướng đến làm giàu, làm chủ. Và những bóng nón kia nhiều năm rồi đè lên mái đầu người phụ nữ, cứ thế hiển hiện trên đồng trà của người nước ngoài.
NGUYỄN HÀNG TÌNH