mardi 13 octobre 2009

Bụi xe mờ bóng phố

Thứ Tư, 07/10/2009 10:44
(TT&VH Cuối tuần) - 1. Tôi mới tới xem một triển lãm sắp đặt có cái tên nghe như một câu thơ cảm thán: Bụi, xe mờ bóng phố... ở Viet Art Centre (42 Yết Kiêu - Hà Nội). Tác giả của triển lãm này là họa sĩ trẻ Bàng Nhất Linh. Có thể so sánh triển lãm này với một “khúc biến tấu thơ”.

Khúc đầu tiên có tên là Hà Nội. Hà Nội thì chẳng của riêng ai, Linh đúc gần 100 cái Tháp Rùa nhỏ để trên giá gỗ và mời người xem tô vẽ tùy ý lên những bức tượng này. Chỉ sau ba ngày, gần một trăm Tháp Rùa nhỏ được tô màu tuyệt đẹp, giống như những cảm xúc ban đầu đẹp đẽ phong phú của bất cứ ai đến với Hà Nội.

Khổ thơ thứ hai có tên là Đô thị, có chút hài hước hơn khi tác giả sử dụng... 200 cái bếp than tổ ong (những thứ hun khói phố cổ) để kết thành một cái hình đồng hồ cát mô phỏng kiến trúc của thành phố. Những thứ đẹp đẽ bị đốt mất không thương tiếc (như bị đốt mất trong bếp lò) trong khi những tòa nhà cao giả cổ tân thời trưng ra cái vẻ sáng bóng và nhẵn nhụi lố bịch...

Khổ thơ thứ ba có tên là Bước qua thềm phố. Họa sĩ đã “chiết xuất” hẳn một căn nhà trên phố cổ với cửa thật, một cái giường trong ánh sáng vàng vọt và rất nhiều... ống nước cùng dây điện với cảm giác như ta bước vào một cái hầm tra tấn.

Khổ thơ thứ tư có tên là Phía trên là bầu trời. Nghe có vẻ như bay bổng hơn. Nhưng cái sự bay bổng này cũng ngậm ngùi lắm. Họa sĩ dựng một bức tường giả gạch bằng xốp, nhét hẳn một cái xe máy Cub 80 thật “long lanh” vào đó, người có thể ngồi lên. Một mặt, thì trông như người và xe bị kẹt cứng (giống như ta bị kẹt xe trong thực tế) ở trong bức tường gạch. Mặt bên kia là một sự trớ trêu của thân phận những người dân thường chúng ta: Ta cứ tưởng ta đang bay lơ lửng trên mây trời xanh ngắt...

Khổ cuối cùng, có tên ngắn gọn là Phố. Đó là hình ảnh tổng thể của “phố phường chật hẹp người đông đúc” bây giờ với cao ốc, xe bus, ô tô, xe máy... chen lấn và chèn cựa lên nhau từ cao xuống thấp.



Tác phẩm công phu này cho người xem một ấn tượng chân dung rất đậm nhiều mặt về đô thị hiện nay. Đó là tiếng nói của một họa sĩ trẻ, không kêu than, không hoài niệm, chỉ phơi bày và việc phơi bày thản nhiên đó sẽ động tới cảm giác của người xem. Chắc khán giả xem triển lãm “như một bài thơ” này sẽ không ngạc nhiên nếu biết rằng tác giả trẻ Bàng Nhất Linh có mang trong mình “gen” thơ. Anh là cháu họ gần của người thi sĩ đồng quê tiền chiến có câu thơ đã đi vào “ca dao thiên cổ” là ông Bàng Bá Lân (Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi).

2. “Bài thơ” của Linh không dưng làm tôi nhớ câu chuyện thất tình cách đây gần 20 năm của anh trai tôi. Anh vật vã đau khổ, uống rượu cứ như trong phim diễm tình Hàn Quốc. Bố tôi cáu quá, bèn an ủi “kiểu đàn ông” thế này: “Con gái nó như lứa hoa ấy mà. Hết lứa này có lứa khác trẻ hơn, đẹp hơn. Không sắm được “babetnhè” thì sẽ có tiền được xe cub, không sắm được cub thì còn dành tiền mà tậu Dream. Chứ mày mà cho cái “babetnhè” đã sang, cố mà mua lấy thì có khi phải sống cả đời với nó, chắc gì đã đổi được...” Bố tôi nói xong thì bị mẹ tôi lườm. Nhưng chục năm sau thấy quả đúng, anh tôi dành hết sức vào sự nghiệp làm ăn, cuối cùng cưới cô vợ trẻ kém hẳn tuổi anh một giáp, đẹp như tiên...

Nghĩ lại chuyện này, tôi nhớ đến đại ý mấy câu mà Bác Hồ đã trích từ Tuyên ngôn Độc lập 1776 của nước Mỹ khi Người viết bản Tuyên ngôn Độc lập cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Con người sinh ra đều có quyền tự do bình đẳng bất khả xâm phạm. Đó là quyền được sống, được tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc...” Chân lý ấy không bao giờ thay đổi.

Chúng ta hay cười cợt rằng mơ ước “vợ đẹp, con khôn, nhà cao, cửa rộng... chó dữ, bạn hiền” (và gần đây là thêm xe bốn bánh xịn) là “giấc mơ con đè nát cuộc đời con”. Nhưng nếu có đi cùng trời cuối đất, gặp nhân dân của các nước Tây, Tàu đủ loại thì thấy đã là con người, đa số cũng chỉ có từng ấy ước mơ giông giống thế mà thôi. Nhưng có điều cái cách thực hiện ước mơ, cái cách “mưu cầu hạnh phúc” ấy là khác nhau. Có người tiến tới bằng nỗ lực lao động sản xuất, chân chỉ hạt bột. Có người thì bằng kiếm chác, lèo lá, đánh quả. Có người thì bằng mua quan bán chức, chạy chọt. Có người thì bằng cầu cúng, buôn thần bán thánh...


Niên biểu của văn minh đi lại ở ta đang tiến tới “Đại... ô tô, Kỷ... xe máy”. Cả nước có vài chục triệu xe máy, dồn đống tập trung ở các thành phố lớn. Đi xe máy ở trên phố thì đủ thứ khó chịu. Nào là tắc đường, chèn lách nhau, có kẻ vượt đèn đỏ mà chẳng bị phạt... Đội mũ bảo hiểm nóng nhức đầu dưới cái nóng 40 - 50 độ trên mặt đường trong khi đi với tốc độ 20 - 30km để ngửi khói xe, khói bụi, khói bếp than tổ ong. Ban đêm ô tô chiếu đèn vào mắt người đi xe máy chẳng thèm hạ. Khổ nhất là trời mưa mới chứng kiến đủ cái vô học của văn hóa đi. Xe ô tô (nhất là taxi) phóng vèo qua tạt nước thản nhiên vào xe máy hai bên đã đành. Những con xe máy to, gầm cao bô cao cũng phóng vèo qua hắt nước lên người bên cạnh một cách... rất mất dạy.

Mà sao phố dễ ngập dễ đọng thế. Hơi tí là ngập. Trời mưa trời nắng nhìn cai ga ngôi trong xe bôn ban h cun g ưc thật, ngồi điều hòa mát lạnh, không phải hít khói bụi, mặt cứ nhơn nhơn. Thế là phải vay mượn (hoặc nghĩ trò kiếm chác) để sắm cho bằng được cái xe bốn bánh. Thế nhưng cuối cùng ta nhận ra rằng mình phí đời, tốn cả kinh tế đất nước để sắm thêm một cục rác cho cái đống rác cơ giới đang ngập ngụa lên mà thôi. Nhìn những ngày nghỉ, có đợt tắc xe trên đường quốc lộ dài tới 50 km từ Pháp Vân tới tận Phủ Lý mà kinh. Sắm phương tiện rõ nhanh, đẹp, đắt hơn. Mà cái đích hạnh phúc ta vẫn tới chậm, là thế.

Ngày xưa đã có những thời có cái xe máy đẹp, cái xe đạp mi - pha là đổi hẳn được mấy cái nhà, cưới được cô gái đẹp nhất phố. Bây giờ thì những cái đồ đó rẻ bèo, giá trị lại đổi sang sốt đất đai, nhà cửa, chúng ta lại đổ xô đi mua đất đai, nhà cửa như một bầy kiến chạy theo mồi... Mới thấy rằng cả đến mơ ước, ta cũng chưa có “văn hóa mơ ước”, chỉ sốt sắng mơ cái ngọn, hoặc bị đám đông xô đẩy mà thành ra... mơ nhầm! Giấc mơ của đám đông chúng ta chẳng phải là một giấc mơ lớn lao gì đáng kể, chỉ là tập hợp hỗn độn của vô số những giấc mơ con con rời rạc lỏng lẻo. Và hậu quả được “hiện thực hóa” của tập hợp hỗn độn những giấc mơ con ấy là tập hợp hỗn độn của một đống xe cộ và nhà xấu ngập ngụa trong biển khói, bụi...


3. Năm “phần tử” của phố xá Hà Nội được họa sĩ dựng chân dung một cách xác đáng và hài hước như vậy. Ít ai biết họa sĩ là một thanh niên Hà Nội “xịn” và đang sống tạm bằng nghề... độ xe máy. Những mô - típ, chất liệu tạo hình... trong triển lãm đầu tay này của anh đều liên quan đến hai yếu tố kể trên. Và xem triển lãm này, nó làm tôi nghĩ đến những từ gọi là “văn hóa mơ ước” của chúng ta. Chúng ta đã có cái chữ “văn hóa” chưa, kể cả trong cách ước mơ và mục đích mơ ước?

Vũ Lâm

Aucun commentaire: