jeudi 27 janvier 2011

Ông văn hiến trí thức

PN - Nói về những người như ông không thể nói chuyện bằng cấp, chức danh. Ông thuộc những người cứ nhắc tên là mọi người biết và nhớ. Nhớ biết không phải ở phẩm hàm, chức tước, mà ở đóng góp trí tuệ, ở sự thúc đẩy xã hội vận động bằng những tư tưởng của mình.

Tôi gọi ông Hoàng Ngọc Hiến là "ông văn hiến trí thức".

Hà Nội đang những ngày rét đậm chờ Tết Tân Mão. Phố phường đông đặc, chen chúc người đi, người đến, người về tất bật cuối năm. Nhưng gần một tháng nay ông đã cách biệt với thế giới bên ngoài, cách biệt với vợ con, cách biệt với cuộc đời. Ông chìm sâu vào cơn hôn mê sau một ca mổ ở tuổi ngoài tám mươi. Trên chiếc giường bệnh ở phòng Gây mê hồi sức của Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), ông nằm đó bất động, khuôn mặt sưng phù cắm nhiều dây nhợ, sự sống từ cơ thể ông chỉ còn hiển hiện qua những vạch tín hiệu và những con số hiện lên trên máy đo. Mọi người vào thăm ông chỉ đứng lặng nhìn, lòng thầm mong có phép màu cho ông thêm tuổi sống, song cũng tự lòng biết ông khó qua khỏi. Nhưng khi gần nửa đêm ngày 24/1/2011, tin báo về từ bệnh viện là ông đã qua đời thì nhiều người vẫn bất ngờ, đau xót, tiếc thương.

Ông là Hoàng Ngọc Hiến. Gọi ông là nhà phê bình lý luận, nhà nghiên cứu văn học, văn hóa - đúng. Gọi ông là người thầy dạy suốt đời, cả khi đứng trên bục giảng lẫn khi đã nghỉ hưu, dạy trong những giờ lên lớp và dạy trong những câu chữ bài viết - đúng. Người đời thường gọi ông là giáo sư. Ông không làm hồ sơ để được phong chức danh này. Ông chỉ là phó tiến sĩ học ở Liên Xô về từ đầu những năm 1960. Và suốt đời ông là phó tiến sĩ. Nhưng nói về những người như ông không thể nói chuyện bằng cấp, chức danh. Ông thuộc những người cứ nhắc tên là mọi người biết và nhớ. Nhớ biết không phải ở phẩm hàm, chức tước, mà ở đóng góp trí tuệ, ở sự thúc đẩy xã hội vận động bằng những tư tưởng của mình.

Tôi gọi ông Hoàng Ngọc Hiến là ông “văn hiến trí thức”.

Ông tên Hiến làm Văn nên gọi người văn hiến.

Ông cách thế trí thức nên là người trí thức.

Người được gọi là trí thức phải có hai điều: có một căn bản tri thức và có một bản lĩnh cá nhân.

Nền tảng của tri thức là triết học. Người có căn bản tri thức là người có hiểu biết triết học, biết suy tư vấn đề bằng các phạm trù triết học, biết nhìn hiện tượng dưới góc độ triết học. Hoàng Ngọc Hiến do tư chất bẩm sinh của mình và do sự đào luyện/tự đào luyện của mình nên biết hướng đến triết học từ sớm. Kỷ niệm hai trăm năm ngày sinh Nguyễn Du (1965) ông đã có bài viết “Triết lý Truyện Kiều”. Ngay từ khi đó ông đã đề xuất cách nhìn hệ thống khi nghiên cứu một tác giả, một tác phẩm. Ông đã thấy “triết lý của Nguyễn Du quả là không tương xứng với tác phẩm thiên tài của Nguyễn Du”, nhưng tác giả Truyện Kiều vẫn là một trí tuệ lớn. Đó là “trí tuệ của trái tim” chứ không phải “trí tuệ của trí tuệ”, theo cách phân biệt của Lev Tolstoy mà ông dẫn ra. Và ông Hiến cho cách phân biệt này của nhà đại văn hào Nga là “biện chứng hơn sự phân biệt thường lệ giữa lý và tình”.

Có thể thấy xu hướng triết học như thế xuyên suốt học thuật của ông Hiến, mà dấu hiệu nhận biết là ông thường nâng vấn đề lên tầm triết. Những quan niệm ông đưa ra bằng những cụm từ có tính triết học đã làm nên tên tuổi Hoàng Ngọc Hiến và gây ra tranh cãi quanh tên tuổi ông. “Chủ nghĩa hiện thực phải đạo”, “văn học âm dương”, “văn học bước qua lời nguyền”, nhắc đến là thấy ra vấn đề, nhưng cũng rắc rối và phức tạp trong các vấn đề đó. Ngay cả cái câu “Cái nước mình nó thế” thốt ra từ miệng ông để rồi thành câu cửa miệng cũng có ý vị triết luận, triết lý một sự đời, một chiêm nghiệm sống! Cho nên không ngẫu nhiên khi ở chặng cuối đời ông lại hăng hái, nhiệt tình giới thiệu và truyền bá nhà nghiên cứu triết học Pháp F. Jullien vào Việt Nam. Cũng không vô cớ mà mối quan tâm chính hiện nay của ông là minh triết Việt. Địa hạt mới mẻ này đủ sức mời gọi và thách thức sức nghĩ của một đầu óc như ông Hiến.

Bản lĩnh cá nhân của người trí thức là biết suy nghĩ khác biệt và độc lập. Theo nhà triết học Pháp Montaigne, có ba vị thế đối với chân lý và các giá trị tinh thần: vị thế của người hư vô chủ nghĩa - những người từ chối tìm kiếm chúng; vị thế của người giáo điều - những người đã tìm thấy chúng; và vị thế của người nghiên cứu không mệt mỏi - những người tiếp tục tìm kiếm ngay cả nếu như họ biết rằng sự tìm kiếm không đi đến đâu cả. Ông Hiến ở vị thế thứ ba. Tôi đã từng viết về ông cách đây hai mươi năm: “Thông minh nên tư biện hay tư biện do thông minh, thật khó mà rạch ròi. Chỉ biết do vậy nên bất kỳ bài viết nào của ông cũng đều khoa học và đều có một chút gì đáng ngờ về mặt khoa học”. Muốn đi đến một mục tiêu thì phải tìm đường, mở đường, quá trình này có thể bị lạc đường, sai chốn, nhưng không vì sợ sai sợ lạc mà chùn bước, mà ngại mở đường.

Theo một nhà nghiên cứu, có hai kiểu người mang văn hóa trí thức thay nhau bước ra tiền đài lịch sử. Kiểu “ổn thỏa” thể hiện trong mình văn hóa như là hệ thống chức năng chuẩn mực; kiểu “gây sự”, ngược lại, - đó là người mang sự khủng hoảng văn hóa, sự tả tơi, đổ nát, và sự thay thế các hình thức của văn hóa. Ông Hiến thuộc kiểu trí thức “gây sự”. Cuộc khủng hoảng của văn học Việt Nam sau năm 1975 đã được ông nhận thức sớm và báo động sớm bằng việc chỉ ra nguyên nhân “chủ nghĩa hiện thực phải đạo” trong một bài viết đăng năm 1979, khi mà những tụng ca vẫn đang vang lên không ngớt. Ông đã phải hứng chịu nhiều lao đao sau bài viết đó, nhưng lịch sử đã chứng tỏ ông thấu suốt và kịp thời. Cái câu ông viết cho Nguyễn Huy Thiệp: “Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió”, cũng lại khẳng định một tầm nhìn và một thái độ của ông đón trước cái mới, ủng hộ cái mới, bảo vệ cái mới cho văn học khi xuất hiện một nhà văn tài năng đáp ứng được những đòi hỏi thẩm mỹ mới của một xã hội đang bước sang một giai đoạn phát triển mới. Ông đã viết về Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Nguyễn Việt Hà từ rất sớm, đọc kỹ những nhà văn này để không chỉ khen ngợi họ, cổ vũ họ, mà còn để từ họ khơi lên những vấn đề mang tầm triết học, chính luận cần thiết cho sự phát triển của đất nước hiện thời. Không phải những phân tích, luận giải của ông không gây tranh cãi, phản bác ở ý này điểm nọ, nhưng chúng luôn kích thích người viết và người đọc ở cách đề xuất và lật xới các vấn đề từ trong và từ ngoài những tác phẩm, những hiện tượng văn học, văn hóa. Kiểu trí thức “gây sự” này luôn chống lại những lối mòn khuôn sáo, những cũ kỹ lạc hậu trong tư duy, trong mỹ cảm. Chúng ta đang thiếu nên đang rất cần những ông Hiến đó.

Ông Hiến là phó tiến sĩ ngữ văn Hoàng Ngọc Hiến, không phải phó giáo sư, giáo sư. Tôi nhắc lại điều này vì thấy cần thiết trong hoàn cảnh giáo dục đang nhiều thật giả lẫn lộn hiện nay. Nhưng tôi nói thế lại thành ra có lỗi với ông Hiến, vì những chức danh này chẳng bận tâm tới ông. Bằng vào cái ông làm trong nghiên cứu văn học, tôi gọi ông là người văn hiến. Bằng vào cái ông sống trong nghề và trong đời, tôi gọi ông là người trí thức. Nhưng khi đã gọi là văn hiến trí thức thì đây là một khái niệm tập hợp, chứ không còn là một phép cộng của các phần tử. Ông Hoàng Ngọc Hiến, với tôi, là ông văn hiến trí thức.

Một lớp người văn hiến trí thức như thế đang giã từ cõi thế, để lại cho đời những tư tưởng của họ, những câu hỏi và câu trả lời của họ, những đúng sai của họ. Câu thơ Trần Tử Ngang đời Đường tiền bất kiến cổ nhân / hậu bất kiến lai giả (trước không thấy người xưa / sau không thấy người mới) luôn thoáng gợn trong tôi mỗi lần đối diện với khoảng trống để lại sau lưng những người tài khuất bóng. Nhưng người trước ra đi, người sau bước đến. Hãy cứ tin như vậy, ít ra cũng để yên lòng người đi. Và như thế, tôi tin khi vào cõi vĩnh hằng, Hoàng Ngọc Hiến có thể bằng lòng với những gì ông đã làm được trong một cuộc đời dài lâu không ít sóng gió của mình và có thể an lòng với những gì ông chưa làm được mà những lớp người sau sẽ tiếp tục làm.

Trước hết là làm một người văn hiến trí thức như ông.

Hà Nội những ngày tận Tết Canh Dần

Nhà lý luận phê bình Hoàng Ngọc Hiến, sau một thời gian bị bệnh hiểm nghèo, đã từ trần hồi 23 giờ ngày 24/1/2011 tại Hà Nội, thọ 82 tuổi. Ông sinh 1930, quê ở Hà Tĩnh. Sau khi làm phó tiến sĩ ở Liên Xô về nước từ đầu những năm 1960, ông đã có nhiều bài viết và công trình nghiên cứu với những tư tưởng đổi mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển của văn học, văn hóa đất nước. Ông là một người sáng lập và là hiệu trưởng đầu tiên của Trường viết văn Nguyễn Du từ năm 1979, nơi đào tạo nhiều lớp nhà văn nổi tiếng hiện nay. Tưởng nhớ ông, Báo Phụ Nữ TP.HCM xin chia buồn cùng gia đình và giới thiệu bài viết của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên viết về ông.

Phạm Xuân Nguyên

Phụ Nữ TPHCM 26/01/2011

Aucun commentaire: